Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Thủ đô Hà Nội lên đường thăm 3 nước Trung Đông. Ảnh:VGP. |
Các chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan; Thủ tướng Nhà nước Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani; Hoàng Thái tử, Thủ tướng Vương quốc Saudi Arabia Mohammed Bin Salman. Chuyến công tác của Thủ tướng kéo dài từ ngày 27/10-1/11/2024.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến UAE và Qatar sau 15 năm, chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới Saudi Arabia từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đây cũng là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ là khách mời chính và là lãnh đạo cấp cao duy nhất của châu Á phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 do Saudi Arabia tổ chức.
UAE, Qatar và Saudi Arabia nằm trong những nước có quy mô kinh tế, vai trò quan trọng nhất tại Trung Đông. Trong triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam, UAE, Saudi Arabia và Qatar là những đối tác hợp tác hữu nghị quan trọng, lâu dài và toàn diện trên các lĩnh vực tại khu vực Trung Đông.
Ba nước cũng xác định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á, coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách "Hướng Đông". Thời gian qua, quan hệ Việt Nam với UAE, Saudi Arabia và Qatar đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất, sự phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương ngày càng chặt chẽ hơn.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho những lĩnh vực hợp tác truyền thống, tạo đột phá mới thúc đẩy những lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư và các lĩnh vực mới; và trên hết tạo dựng một cách vững chắc sự tin cậy chính trị để mở đường cho một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và ba nước cũng như toàn khu vực.
Chuyến thăm là bước triển khai thiết thực, sinh động đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó ưu tiên đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, góp phần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, hợp tác, thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.