Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ được một số quốc gia như Vương quốc Anh, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… áp dụng từ năm 2024.
Tại cuộc họp "Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhìn nhận, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam là cấp bách, thể hiện trên 2 khía cạnh đảm bảo quyền đánh thuế tại Việt Nam và khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành. Hiện các Bộ, ngành có liên quan đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo đề xuất các giải pháp của Việt Nam.
Theo đó, mục tiêu là hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Việt Nam đang thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam thông qua các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trong đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp quan trọng nhất. Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì hầu hết các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng (miễn thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15%) sẽ không còn giá trị đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu.
"Chính sách nhất quán của Việt Nam trong suốt gần 35 năm mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có tính tiên lượng cao. Thời gian áp dụng Quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu đang đến gần, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu các chính sách và giải pháp khi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi rộng rãi", Thứ trưởng Bích Ngọc cho biết.
Những ý kiến từ doanh nghiệp FDI
Từ góc độ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế. Do đó, những giải pháp và chính sách đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư là điều các doanh nghiệp FDI rất quan tâm.
"Tuy nhiên chúng tôi không chỉ quan tâm đến vấn đề thuế mà quan tâm đến nhiều yếu tố khác như tiềm năng tăng trưởng, môi trường đầu tư, thuế thu nhập cá nhân…
Theo khảo sát của JETRO, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam thì yếu tố tiềm năng tăng trưởng đứng ở vị trí thứ nhất. Thứ hai là quy mô của thị trường Việt Nam. Và chỉ có khoảng 24% doanh nghiệp được khảo sát cho biết mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đến từ các chính sách ưu đãi thuế", ông Nakajima Takeo thông tin.
"Các chính sách ưu đãi thuế rất là tốt nhưng vận dụng như thế nào cũng là điều rất quan trọng. Đẩy nhanh tốc độ thực hiện ưu đãi là các yếu tố mà các doanh nghiệp thực sự quan tâm", ông Nakajima Takeo nhấn mạnh.
Mặt khác, cũng theo đại diện JETRO, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ràng buộc các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần đón các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đây là nhóm doanh nghiệp có lợi thế rất lớn về công nghệ, chuỗi cung ứng.
Không chỉ Nhật Bản mà ở nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có công nghệ và vốn đặc thù có thể giúp thúc đẩy chuyển đổi công nghệ. Việt Nam không chỉ nên tập trung vào doanh nghiệp lớn mà còn chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.
Nếu đã áp dụng thuế toàn cầu, Việt Nam cần làm gì trong thu hút đầu tư?
Tại buổi trao đổi, theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), những tập đoàn có doanh thu 750 triệu USD thuộc diện nộp thuế tối thiểu toàn cầu, về lý thuyết có thể thu được thuế ở châu Âu, tổng chi phí thuế không thay đổi, nếu đóng ở Việt Nam cũng không thay đổi.
"Do đó, nếu Việt Nam áp dụng thuế này thì Chính phủ phải tính đến việc cần làm gì để thu hút đầu tư và cạnh tranh với khu vực. Không thể nào cùng một mức thuế như các quốc gia khác nhưng lại không đưa ra được lợi thế ưu tiên", ông Minh đề cập.
Nếu không ưu đãi bằng các chính sách thuế, Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc các giải pháp đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo. Đầu tư vào các lĩnh vực này thực chất là đầu tư để thu hút đầu tư.
Đây không chỉ là khuyến khích mà là yêu cầu bắt buộc khi một số dự án của các doanh nghiệp châu Âu bắt buộc phải cam kết sử dụng năng lượng sạch, nếu không sẽ không được đầu tư mở rộng, thậm chí, buộc dừng đầu tư, ông Minh nêu.
Một khía cạnh khác, theo đại diện EuroCham, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì các doanh nghiệp châu Âu là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn nhưng phải xác định thuế tối thiểu toàn cầu là cuộc chơi toàn cầu. Trong cuộc chơi toàn cầu này, Việt Nam có nhiều lợi thế nếu Việt Nam kịp thời giải quyết một số vấn đề trong thủ tục hành chính.
Đại diện hiệp hội cho biết, trong cuộc khảo sát mới đây về Chỉ số môi trường kinh doanh do EuroCham thực hiện, đa số các doanh nghiệp đều hài lòng với môi trường đầu tư đang dần được cải thiện.
Tuy nhiên, 70% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng cần phải cải thiện thủ tục hành chính, 53% về chất lượng cơ sở hạ tầng, 47% về thủ tục nhập cảnh, giấy phép visa, nhập cảnh và ưu đãi thuế gần như là chính sách cuối cùng, chỉ chiếm 28%.
Từ phía doanh nghiệp, đại diện Foxconn tại Việt Nam cũng đồng tình, đề nghị cần nhanh chóng giải quyết vấn đề thủ tục hành chính.
Đại diện tập đoàn này tại cuộc họp trên cho biết, riêng đối với Foxconn, thủ tục về phòng cháy chữa cháy phải kéo dài đến 2 năm mà không được thẩm định, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, hiện một số các dự án đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian kéo dài. Do đó, điều doanh nghiệp này quan tâm nhất chính là pháp luật Việt Nam có hồi tố các chính sách này hay không.
Tại cuộc trao đổi, đại diện các doanh nghiệp như Samsung, Canon… cũng đưa ra sáng kiến đề xuất với Chính phủ liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hỗ trợ nhà đầu tư trong bối cảnh chính sách mới và tiếp tục thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI dồi dào.
Đánh giá tác động thuế tối thiểu toàn cầu rộng hơn, toàn diện hơn
Lắng nghe và ghi nhận các ý kiến, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh quan điểm, mức độ đánh giá phải rộng và toàn diện để từ đó bàn cách áp dụng quy chế về thuế tối thiểu toàn cầu nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu của các nước đang phát triển là thu hút đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trường hợp Việt Nam thu thuế bổ sung thì sẽ trao đổi kỹ lưỡng, có thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư nhưng cũng phải phù hợp với cam kết quốc tế.
"Nên nhìn thuế ở một góc độ rộng hơn, không chỉ là tác động đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài mà còn tác động ngay đến các doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ đầu tư ra nước ngoài", bà Ngọc lưu ý.
Đứng từ góc độ của Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng cho rằng mức độ đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc này phải rộng hơn, toàn diện hơn.
Nên tiếp cận trên phương diện hài hoà lợi ích giữa các bên. Doanh nghiệp FDI đầu tư, đóng góp phát triển kinh tế tại Việt Nam và Việt Nam có trách nhiệm tạo môi trường đầu tư có hiệu quả. Thời gian phải áp dụng thuế rất gần và chúng ta đều thống nhất nguyên tắc là phải hành động. Đây là nghĩa vụ của các cơ quan thuộc Chính phủ nhưng cần có sự tham gia, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp.