Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giữa kỳ, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài tuyến 388,35km, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Đây là tuyến đường sắt vận chuyển hành khách và hàng hóa; tốc độ thiết kế 160km/h; tổng mức đầu tư 221.975 tỷ đồng; toàn tuyến bố trí 34 ga trên tuyến chính, 2 ga trên tuyến nhánh, cự ly 11,5 km/ga. Dự kiến đưa vào khai thác năm 2031.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được xác định trong các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng (Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng), các quy hoạch tỉnh.
Dự án phù hợp với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đáp ứng nhu cầu vận tải hành lang Đông - Tây, kết nối liên vận quốc tế; phương thức vận tải bền vững, hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị. |
Tại địa phận tỉnh Hải Dương, dự án đi qua địa phận 5 huyện gồm Cẩm Giàng (khoảng 2,6km), Bình Giang (khoảng 9,3km), Gia Lộc (khoảng 10,5km), Tứ Kỳ (khoảng 11,2km), Thanh Hà (khoảng 7,9km). Chiều dài tuyến khoảng 41,5 km.
Tỉnh Hải Dương cũng có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án Đường sắt nghiên cứu lại phương án trắc dọc tuyến đi trên mặt đất đoạn qua Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng và phương án hoàn trả cầu vượt và bố trí đường gom đường sắt cho khu công nghiệp trên, hạn chế đến mức tối thiểu ảnh hưởng đến tính liên kết hạ tầng giao thông trong khu công nghiệp. Đồng thời đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt khi đưa vào vận hành, sử dụng; nghiên cứu, điều chỉnh phương án tuyến đảm bảo giảm thiểu tối đa quỹ đất xen kẹp giữa tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường Vành đai II thành phố Hải Dương. Qua đó tăng hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí đất đai, vi chỉnh tuyến đường sắt đảm bảo không chồng lấn với ranh giới Khu công nghiệp Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc).
Đồng thời tính toán, thiết kế đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ kết nối với các ga vào trong dự án (lưu ý các tuyến đường bộ từ Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương kết nối với các ga), để phát huy hiệu quả khai thác đồng bộ, phát triển vận tải đa phương thức.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với phương án hướng, tuyến đã thiết kế. Ông đề nghị cần nghiên cứu tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng và giải phóng mặt bằng một lần đồng thời cả 2 giai đoạn của dự án; nghiên cứu phương án giao thông kết nối với ga đường sắt để bảo đảm đồng bộ; có phương án về đường gom hai bên đường sắt; đơn vị tư vấn cần đưa ra phương án với phân tích ưu nhược điểm cụ thể để các địa phương lựa chọn cho phù hợp.
Tại hội nghị, các tỉnh, thành phố cơ bản thống nhất với hướng tuyến, quy mô đầu tư công trình; kiến nghị công tác giải phóng mặt bằng thực hiện một lần (quy mô đường đôi); giải phóng phần đất xen kẹp giữa khu vực nhà ga và đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; bố trí trắc dọc đi cầu cạn, hạn chế chia cắt dân cư, ảnh hưởng đến các công trình hiện có, các khu công nghiệp quy hoạch; cập nhật nút giao quốc lộ 1B quy hoạch nút giao ĐT.295C; tiết kiệm sử dụng đất hiệu quả…
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu đơn vị tư vấn Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng tiếp thu ý kiến của các tỉnh, thành phố có dự án đường sắt đi qua.
Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến trong tháng 12 dự án sẽ được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ xem xét và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2025.