Thương mại Nga - Trung có thể đạt 200 tỷ USD năm 2023

KINH TẾ Nga - Trung
12:09 - 13/09/2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 tại Vladivostok. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 tại Vladivostok. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 12/9. Tổng thống Nga Vladimir Putin có buổi gặp mặt với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) lần thứ 8 tại Vladivostok, nơi hai nhà lãnh đạo đánh giá cao quan hệ hợp tác và phát triển song phương.

Theo Tân Hoa Xã dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin, thông qua những nỗ lực chung của cả Nga và Trung Quốc, mối quan hệ song phương đã bước vào thời kỳ tốt nhất trong lịch sử với sự phát triển thuận lợi trên nhiều lĩnh vực như thương mại và kinh tế.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Moscow trên cơ sở sự đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đạt được, chia sẻ cơ hội phát triển, tăng cường hợp tác cùng có lợi và tăng cường phối hợp chiến lược về phát triển khu vực.

Với tầm nhìn này, ông Putin dự đoán thương mại Trung Quốc - Nga có thể lần đầu tiên đạt 200 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% hàng năm trong những năm gần đây, sớm hơn một năm so với mục tiêu 2024 mà hai nước đã thiết lập trước đó.

Phó thủ tướng Trung Quốc cũng chia sẻ tầm nhìn này khi cho biết thương mại song phương Trung Quốc - Nga đạt 155,1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2023, tăng 32% so với một năm trước đó. Ông khẳng định: “Chúng tôi có mọi lý do để tin rằng mục tiêu đưa thương mại song phương lên 200 tỷ USD sẽ đạt được trước thời hạn trong năm nay”.

Trong tương lai, sự hợp tác giữa hai quốc gia vẫn còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là giữa vùng Viễn Đông của Nga và vùng Đông Bắc Trung Quốc trong bối cảnh cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đều coi trọng sự tăng trưởng của các khu vực này.

Phát biểu trong phiên họp Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ngày 12/9, Tổng thống Putin cho biết việc phát triển vùng Viễn Đông là “ưu tiên tuyệt đối” và “trực tiếp” của toàn thể nước Nga. Viễn Đông là một khu vực khổng lồ với dân số nhỏ nhưng “tiềm năng rất lớn” nên điều quan trọng ở đây "không chỉ là giữ vững khu vực này mà còn phải phát triển và sử dụng các nguồn lực của nơi này để phục vụ lợi ích của nhà nước".

Khu vực này không những cần chú trọng đến việc phát triển tài nguyên khoáng sản mà còn cần “xây dựng thêm nhiều doanh nghiệp chế biến nguyên liệu công nghiệp để tăng giá trị gia tăng”. Tổng thống Nga khẳng định: “Chúng tôi sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề này. Chúng tôi sẽ tăng cường chế tạo máy bay và đóng tàu cũng như tham gia phát triển sản xuất công nghiệp trên nhiều lĩnh vực đa dạng nhất”.

Chủ tịch Trung Quốc cũng từng nhiều lần nhấn mạnh việc “viết một chương mới" trong nỗ lực đổi mới hoàn toàn vùng Đông Bắc Trung Quốc. Gần đây nhất là khi ông triệu tập một cuộc họp quan trọng ở tỉnh Hắc Long Giang ngày 7/9. Ông Tập nhấn mạnh thúc đẩy mở cửa và hợp tác trong và ngoài nước, đồng thời kêu gọi khu vực Đông Bắc hội nhập chặt chẽ vào hợp tác Vành đai và Con đường, đóng vai trò lớn hơn trong việc tạo thuận lợi cho các dòng chảy kinh tế trong nước và kết nối lưu thông trong nước với lưu thông quốc tế.

Trả lời Global Times, ông Zhang Hong, một nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định thái độ và động thái trên của hai nước sẽ góp phần “định hướng hợp tác giữa khu vực đông bắc Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga trong tương lai”.

Đọc tiếp