Thụy Sĩ: Thị trường có giá trị nhưng khó thâm nhập

Thụy Sĩ: Thị trường có giá trị nhưng khó thâm nhập

“Nếu chúng ta đưa được hàng vào Thụy Sĩ thì không có lý do gì không đi được các nơi khác”, Chủ tịch Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ nhận định về thị trường đặc biệt khó tính này. Tuy nhiên làm cách nào để đưa nông sản lên kệ tại đây lại là bài toán khó.

Trong thương mại song phương, Việt Nam hiện là đối tác lớn thứ 39 trên thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore và Thái Lan) của Thụy Sĩ. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu sang Thụy Sĩ trong năm 2021 đạt 623 triệu USD. Trong khi đó, theo Hải quan Thụy Sĩ, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,8 tỷ USD.

Chia sẻ tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thụy Sĩ do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) vừa phối hợp tổ chức, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại ông Lê Hoàng Tài giải thích thống kê trên có sự khác nhau bởi Hải quan Việt Nam không tính hàng xuất khẩu đến điểm cuối, mà chỉ tính đến hàng xuất khẩu đến nước trung gian; phía Thụy Sĩ thì lại tính theo xuất xứ.

Mặc dù số liệu khác nhau, nhưng nhìn chung thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ tương đối phát triển. Về tiềm năng của Thụy Sĩ, năm 2021 nước này nhập khẩu 324 tỷ USD hàng hóa. Trong cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp chỉ chiếm 1,3%. Sản xuất trong nước không đảm bảo nhu cầu của người dân, nên đây sẽ là cơ hội để các thị trường nước ngoài như Việt Nam đưa hàng thực phẩm vào.

Nhìn chung, Thụy Sĩ không phải là thị trường có dung lượng tiêu thụ hàng hóa lớn. Dân số Thụy Sĩ tương đối ít với khoảng 8,76 triệu người vào năm 2021. Tuy nhiên, đây là thị trường có chi phí sức mua cao, cùng tổng thể nền kinh tế phát triển với GDP đạt 810 tỷ USD xếp thứ 20 trên thế giới; GDP trên đầu người đạt 93.500 USD, xếp thứ 7 thế giới.

Bên cạnh đó, do vị trí địa lý ở trung tâm châu Âu nên người tiêu dùng của quốc gia này có nhiều lựa chọn. Chính vì vậy, yêu cầu về hàng hóa của Thụy Sĩ vô cùng khắt khe. Thậm chí, kể cả khi đáp ứng tiêu chuẩn của EU, có thể vào Thụy Sĩ nhưng nhà phân phối và người tiêu dùng của Thụy Sĩ vẫn có thể yêu cầu cao hơn.

“Có thể coi Thụy Sĩ là thị trường kiểm nghiệm, bảo chứng chất lượng sản phẩm. Nếu chúng ta đưa được hàng vào Thụy Sĩ thì không có lý do gì không đi được các nơi khác”, Chủ tịch Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thụy Sĩ bà Nguyễn Thị Thục nhận định.

Một số tiêu chuẩn doanh nghiệp phải đáp ứng khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thụy Sĩ. Ảnh: SVBG

Một số tiêu chuẩn doanh nghiệp phải đáp ứng khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thụy Sĩ. Ảnh: SVBG

Người tiêu dùng của Thụy Sĩ hiện nay ưa chuộng các sản phẩm organic (hay còn gọi là Bio). Đây là dòng thực phẩm được nuôi hoặc trồng mà không sử dụng hóa chất nhân tạo như thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất bảo quản… Người tiêu dùng ở mức cao như Thụy Sĩ đặc biệt ưu tiên các sản phẩm như vậy.

Doanh nghiệp nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì dù có xuất được vào Thụy Sĩ, hàng Việt cũng chỉ có thể bán tại các siêu thị có tiêu chuẩn chất lượng thấp hơn, bà Thục nói thêm.

Thụy Sĩ hiện có cơ chế bảo hộ nông nghiệp tương đối cao do cơ cấu ngành nông nghiệp của nước này thấp. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm sẽ phải chịu thuế theo kỳ trong năm cùng với các yêu cầu về hạn ngạch thuế và giấy phép nhập khẩu.

Tuy nhiên, hiện Thụy Sĩ chủ yếu bảo hộ các sản phẩm như bơ, sữa, rượu…, là các sản phẩm nước này sản xuất. “Đây là một điều may mắn của doanh nghiệp Việt Nam”, bà Thục phân tích, vì không "đụng chạm" tới nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là trái cây nhiệt đới như vải, điều, cà phê…

Ngoài ra, vị trí địa lý không giáp biển nên nhu cầu thủy sản của Thụy Sĩ cũng rất lớn. Do vậy, mức thuế nhập khẩu chỉ khoảng 0,2%. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang Thụy Sĩ hiện nay là tôm và cá basa.

Theo Hải quan Thụy Sĩ, năm 2021 nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam đạt khoảng 56,1 triệu USD; cà phê đạt 28 triệu USD; hạt điều đạt 15,8 triệu USD. Trong đó, phile cá tra chiếm 95,5% thị phần nhập khẩu của Thụy Sĩ; tôm đông lạnh chiếm 64,6%; tôm đã chế biến và bảo quản chiếm 36,8%; hạt điều chiếm 53,3%...

Tuy nhiên, do là thị trường yêu cầu cao nên ngay cả khi xuất khẩu vào Thụy Sĩ thì hàng hóa Việt vẫn có nguy cơ bị đẩy ra ngoài. Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Sĩ Nguyễn Đức Thương, hàng hóa Việt mặc dù đã thông quan nhưng vẫn có thể bị cơ quan chức năng nước sở tại lấy mẫu thường xuyên.

Người tiêu dùng Thụy Sĩ có thể cập nhật thông qua ứng dụng, khi có thông tin mới nhất liên quan khách hàng có thể tiến hành trả hàng ngay. Ngoài ra, Thụy Sĩ còn có tạp chí dành cho hàng tiêu dùng và xuất bản hàng tháng. Phía tạp chí sẽ lấy mẫu của từng mặt hàng kiểm tra và xếp thang điểm. Những mặt hàng không đạt chuẩn có thể bị mất khách hàng vĩnh viễn.

Vấn đề môi trường cũng được đặt lên hàng đầu trong tiêu chí lựa chọn của nhà phân phối tại Thụy Sĩ. Đây cũng là một trong các vấn đề được các nước châu Âu quan tâm nhất. Hệ thống siêu thị tại Thụy Sĩ ưu tiên bán hàng nội địa hoặc các sản phẩm trái cây đi bằng đường tàu với mục đích giảm thiếu khí thải nhà kính.

Đối với chính sách bán lẻ, hiện hàng hóa phân phối tại Thụy Sĩ theo 3 kênh phân phối lớn. Bao gồm hệ thống bán lẻ thông thường (chiếm 67,8% doanh thu), bán lẻ bình dân (17,1%), các chuỗi bán lẻ đa dạng (6,1%).

Chủ tịch Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ Nguyễn Thị Thục cũng đã có thời gian đi khảo sát thị trường ở các siêu thị, bao gồm cả siêu thị người châu Á và người bản địa. Bà cho biết, thực tế là hàng Việt Nam không nhiều trên kệ siêu thị lớn của Thụy Sĩ, chủ yếu là sản phẩm hạt điều.

Một số sản phẩm khác dù nguyên liệu có nguồn gốc từ Việt Nam, bao bì ghi tiếng Việt nhưng sản phẩm lại thuộc về quốc gia khác. “Việt Nam xuất khẩu hàng thô, cho nên khi qua nhiều công đoạn chế biến nó không còn cái gốc của Việt Nam”, bà nói thêm.

Hàng Việt còn gặp khó khăn khi vào được hai chuỗi siêu thị bán lẻ nông sản lớn nhất của Thụy Sĩ là Migros và Coop, chiếm khoảng 65% doanh số thị trường bán lẻ nông sản thực phẩm nước này. Hai chuỗi bán lẻ này thường ưu tiên bán sản phẩm được sản xuất trong nước và các sản phẩm mang thương hiệu của họ. Điều này tạo ra khó khăn chung cho các sản phẩm nhập khẩu hoặc thương hiệu nước ngoài khi muốn lên kệ chuỗi siêu thị đứng đầu của Thụy Sĩ.

Một số sản phẩm sử dụng nguyên liệu của Việt Nam nhưng thương hiệu của thị trường khác. Ảnh: SVBG

Một số sản phẩm sử dụng nguyên liệu của Việt Nam nhưng thương hiệu của thị trường khác. Ảnh: SVBG

Thời gian qua, phí logistics liên tiếp tăng cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp xuất hàng nông sản sang Thụy Sĩ, vấn đề này càng tạo thêm thế khó, bởi vấn đề logistics luôn là bài toán nan giải nhiều năm chưa tìm được hướng đi.

“Đưa nông sản tươi sang Thụy Sĩ quá khó. Đi bằng đường máy bay thì quá đắt, khoảng 9 Franc/kg, khiến giá thành phẩm tăng cao. Đi đường biển thì quá xa, nông sản trái cây chưa kịp đến nơi đã bị hỏng hoặc mẫu mã không đẹp”, bà Thục đề cập đến thế khó của hàng Việt khi thâm nhập thị trường châu Âu này.

Chia sẻ về giá cả một số loại nông sản tại siêu thị châu Á ở Thụy Sĩ hiện nay, bà Thục cho biết, trái thanh long có giá 19,5 Franc/kg (~500.000 đồng/kg), chuối 13,5 Franc/kg (~340.000 đồng/kg), bí đao 18 Franc/kg (~450.000 đồng/kg)…. Theo khảo sát của doanh nhân này, hàng nông sản tại các siêu thị Thụy Sĩ mặt bằng chung giá tương đối cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lượng tiêu thụ của khách hàng.

Theo bà, để thoát khỏi tình trạng này, nông sản Việt chỉ còn hướng chế biến. Đây hiện tại cũng là hướng đi của các nước như Thái Lan khi tìm được thâm nhập thị trường Thụy Sĩ.

Giá một số loại nông sản Việt tại Thụy Sĩ. Ảnh: SVBG

Giá một số loại nông sản Việt tại Thụy Sĩ. Ảnh: SVBG

Q&A VỀ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG THỊ TRƯỜNG THỤY SỸ

Thụy Sĩ không nằm trong EU thì có lợi thế gì hơn so với các nước trong khối liên minh không?

Thụy Sĩ không nằm trong EU, dân số không đông nhưng có vai trò lớn trên thị trường hàng hóa thế giới. Đặc biệt, đội ngũ thương nhân trong nước hoặc của nước ngoài có đăng ký kinh doanh tại Thụy Sĩ tham gia tích cực vào thị trường buôn bán, từ khoáng sản, dầu mỏ đến nông sản. Cho nên vai trò của Thụy Sĩ là kết nối giao thương, đóng vai trò trung gian cho các thị trường khác ở châu Âu và thế giới.

Ngoài nông sản, tiềm năng của các mặt hàng vật liệu như gỗ dán tại thị trường này có không?

Thụy Sĩ có nhập khẩu nhưng chủ yếu đến từ các nước ở châu Âu. Các nước xuất khẩu nhiều sang Thụy Sĩ chủ yếu là Đức, Italia, Áo… do khoảng cách địa lý, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đồng, thuế không có từ EU. Ngoài ra còn có một ít của Trung Quốc. Nhìn chung, tiềm năng hàng Việt có nhưng khó cạnh tranh với các thị trường khác.

Chính sách, tiêu chuẩn của Thụy Sĩ có khác gì so với EU không?

Thụy Sĩ hiện dùng chung tiêu chuẩn với EU và ISO, khoảng 25.000/26.000 quy định hiện hành. Chỉ có khoảng 1.000/26.000 quy định riêng biệt.

Đọc tiếp