Tôn Đông Á hiện đứng thứ 3 về quy mô sản lượng trong ngành thép lá mạ Việt Nam. |
Lý giải về mức điều chỉnh khá mạnh này, phía Tôn Đông Á cho biết, công ty cân nhắc trên góc độ thị trường nhiều biến động, việc hạ giá IPO nhằm hài hoà với mặt bằng chung, cũng như đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư có đăng ký mua cổ phần.
Năm 2016, Tôn Đông Á từng lên kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE vào quý III/2017, nhưng kế hoạch liên tục bị trì hoãn cho đến đầu quý IV/2021, công ty mới rốt ráo chuẩn bị chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để tiến tới niêm yết trên sàn HoSE.
Dự kiến, Tôn Đông Á chào bán 12,37 triệu cổ phiếu sơ cấp và 2,98 triệu cổ phiếu thứ cấp, tương ứng 12% và 3% vốn điều lệ trước chào bán. Với mức định giá 40.000 đồng/cp, nếu chào bán thành công, công ty sẽ thu về hơn 494,7 tỷ đồng; đồng thời nâng số lượng cổ phiếu lưu hành từ 102,32 triệu cổ phiếu lên 114,69 triệu. Số tiền huy động chủ yếu phục vụ bổ sung vốn chủ sở hữu, tham gia đầu tư nhà máy 3 để nâng công suất đáp ứng nhu cầu thị trường ngày một gia tăng.
Hiện, cơ cấu cổ đông của Tôn Đông Á gồm 68% thuộc nhóm cổ đông sáng lập, ban quản lý và các bên liên quan; 16,8% thuộc về nhà đầu tư chiến lược; 6,8% thuộc về nhà đầu tư tổ chức khác; và 8,3% nhà đầu tư cá nhân. Theo thông tin không chính thức, các nhà đầu tư giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021 liên tục chào bán cổ phiếu TDA của Tôn Đôn Á trên sàn OTC (thị trường mua bán chứng khoán không dựa trên các sàn giao dịch tập trung), giá chào bán từ 20.000 - 28.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù vậy, giá giao dịch thực tế vẫn không được tiết lộ.
Việc Tôn Đông Á đẩy mạnh kế hoạch IPO được cho là xuất phát từ tình hình kinh doanh khởi sắc. Thực tế, lợi nhuận của doanh nghiệp này mới chỉ mới tăng trưởng trong vài năm trở lại đây. Trong giai đoạn năm 2017 – 2018, giai đoạn khó khăn của ngành thép - tôn mạ, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đi xuống, thậm chí lỗ. Tôn Đông Á cũng không ngoại lệ.
Giai đoạn 2020 - 2021, nhờ hưởng lợi từ giá bán tăng cao, các công ty trong lĩnh vực thép - tôn mạ bắt đầu hồi phục. Năm 2021, Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu đạt hơn 25.200 tỷ đồng, vượt 57% so với kế hoạch. Trong đó, 21.700 tỷ đồng đến từ hoạt động kinh doanh chính, còn lại là từ thương mại khác. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2020.
Trong năm qua, sản lượng bán hàng của Tôn Đông Á đạt hơn 794.000 tấn, vượt 8% kế hoạch; riêng xuất khẩu đạt hơn 495.000 tấn, chiếm 62% tổng sản lượng. Tính đến nay, công ty đang đứng thứ 3 thị phần tiêu thụ tôn mạ mảng xây dựng.
Trong tháng 1/2022, sản lượng của Tôn Đông Á đã đạt kỷ lục với 90.000 tấn. Công ty đang lên kế hoạch đầu tư thêm nhà máy thứ 3 với công suất ước tính cho giai đoạn 1 là 350.000 tấn. Hiện, 2 nhà máy đang vận hành tại khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 thuộc tỉnh Bình Dương đạt công suất hàng năm 850.000 tấn.
Với kết quả kinh doanh tích cực, Tôn Đông Á dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30%. Trong đó, 20% bằng tiền sẽ thực hiện trong quý 3/2022 và 10% sẽ thực hiện trong quý 4/2022, sau khi được Uỷ ban Chứng khoán phê duyệt.
Thị giá cổ phiếu thép từ quý IV/2021 đến nay có nhiều biến động. Sau giai đoạn phi mã nhờ giá thép lên cao từ cuối năm 2020 đến hết quý III/2021, nhóm thép có dấu hiệu “chìm xuồng”. Theo dữ liệu của SSI Research, định giá theo P/E của nhóm 13 cổ phiếu thép đang niêm yết trên HoSE ngày 18/10/2021 trung bình là 10,18 lần. Tới ngày 24/1/2022, chỉ số này chỉ còn là 7,86 lần, tức giảm hơn 22,8% trong 3 tháng. Thống kê giá cổ phiếu của 3 công ty thép lớn là HPG, HSG và NKG cũng giảm mạnh với tỷ lệ lần lượt 25%, 30% và 35%. Sau Tết Âm lịch, “sóng thép” mới có dấu hiệu hồi phục khi các nhà đầu tư kỳ vọng nhóm này tiếp tục hưởng lợi khi giá thép tăng cao, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, các doanh nghiệp bất động sản – xây dựng đẩy mạnh triển khai dự án sau một giai đoạn tạm ngưng do dịch. |