Trang tin Strana ngày 12/11 dẫn nguồn tin nội bộ của Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, ông Zelensky tin rằng nếu ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng vào năm 2024, đảng Cộng hòa khi đó sẽ kiểm soát dòng viện trợ dành cho Ukraine.
Nguồn tin nói rằng, chính quyền Tổng thống Ukraine "hiểu điều này và đang cố gắng tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp giữa ông Trump và ông Zelensky".
Phía Ukraine chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Đầu tháng này, ông Donald Trump đã công khai từ chối lời mời tới thăm Kiev trước đó của Tổng thống Zelensky, giải thích rằng ông lo ngại việc đến Ukraine sẽ là "không phù hợp" vì ông Zelensky đang làm việc với Tổng thống Joe Biden. Ông Trump khẳng định "không muốn tạo ra xung đột lợi ích".
Ông Donald Trump nhiều lần khẳng định có thể giải quyết xung đột Nga - Ukraine trong 24h nếu tái đắc cử năm 2024. Ảnh: Reuters |
Ông Trump hiện là ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024. Ông đã nhiều lần khẳng định có thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trong "24 giờ" nếu tái đắc cử. Ông cũng nhấn mạnh rằng cuộc chiến tại Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông vẫn còn đương nhiệm.
Hồi tháng 9, ông Donald Trump đã nói với NBC News rằng, nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2024, ông sẽ có thể tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine, bao gồm "một thỏa thuận công bằng cho tất cả mọi bên" có liên quan. Tuy nhiên, ông Trump không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về giải pháp chấm dứt cuộc chiến.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần bày tỏ hoài nghi về tuyên bố của ông Trump. Ông cho rằng tình trạng căng thẳng tại Ukraine đã tăng lên trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, nhưng ông ấy đã có rất ít động thái để hạ nhiệt. Nhà lãnh đạo Kiev cũng bác bỏ gợi ý của ông Trump rằng Ukraine có thể phải nhượng bộ một số lãnh thổ đang tranh chấp của họ cho Nga để kết thúc xung đột.
Mặt khác, Tổng thống Zelensky cũng thúc giục ông Trump chia sẻ về kế hoạch hòa bình mà ông từng hứa sẽ làm trung gian giữa Kiev và Moscow, cũng như mời cựu lãnh đạo Mỹ đến Kiev để thuyết phục trong 24 phút rằng "ông không thể giải quyết được cuộc chiến này".
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Mỹ là quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất và kêu gọi các đồng minh hỗ trợ Kiev. Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó có khoảng 75 tỷ USD viện trợ quân sự.
Hồi tháng 8 năm nay, Tổng thống Biden đề nghị Quốc hội viện trợ thêm 24 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, những tranh cãi liên quan đến viện trợ cho Kiev là một trong những nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán ngân sách giữa các nghị sĩ rơi vào bế tắc.
Tháng trước, gói an ninh quốc gia trị giá 100 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất - trong đó bao gồm 61,4 tỷ USD dành cho Ukraine - đã thất bại tại Quốc hội, trước khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson yêu cầu các dự luật riêng để tài trợ cho các cuộc xung đột ở Ukraine và Israel.
Kết quả khảo sát mới nhất của Gallup công bố ngày 2/11 cho thấy sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối việc việc viện trợ Ukraine đang suy giảm, khi ngày càng nhiều người cảm thấy nghi ngờ hiệu quả việc Washington chuyển hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính cho Kiev.
41% số người được hỏi bày tỏ ý kiến cho rằng chính phủ Mỹ đang làm "quá nhiều" để giúp đỡ Ukraine. Kể từ lần cuối cùng khi cuộc thăm dò này được công bố hồi tháng 6, kết quả này đánh dấu mức tăng 12 điểm. Trong khi đó, số người tham gia khảo sát cho rằng Mỹ đang làm “đủ” đã giảm từ 43% trong tháng 6 xuống chỉ còn 33% trong cuộc khảo sát mới nhất. Đặc biệt, chỉ có 25% số người được hỏi cho rằng mức độ hỗ trợ hiện tại của Washington dành cho Ukraine là "không đủ".
Xu hướng suy giảm cũng ghi nhận ở các cuộc khảo sát khác. Hồi tháng 10 vừa qua, kết quả cuộc khảo sát do Reuters-Ipsos thực hiện cũng cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ phản đối việc cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, thậm chí sự ủng hộ của đảng Dân chủ cũng giảm mạnh.