Trong khi thị trường lao dốc với đa số các mã giảm giá mạnh thì một số cổ phiếu vẫn ngược dòng. Ảnh minh hoạ |
Cổ phiếu giữ được đà tăng tốt nhất trong 2 tuần vừa qua là ACL của CTCP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Cửu Long An Giang với mức tăng hơn 22%, từ mức giá 25.000 đồng/cp lên gần 31.000 đồng. Sau phiên thứ Sáu (22/4) nhóm thuỷ sản nằm sàn hàng loạt, ACL chính là mã giữ được thành tích tăng giá tốt nhất dù cũng bị chốt lời.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022, ACL ghi nhận doanh thu thuần 325 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ, nhưng giá vốn hàng bán giảm mạnh 26%. Nhờ đó, doanh nghiệp báo lãi 63 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ. Năm 2022, ACL đặt kế hoạch doanh thu thuần là 1.450 tỷ đồng, tăng 20% và lãi trước thuế là 200 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước.
Nhóm cổ phiếu thuỷ sản dù không gây chú ý nhưng lại âm thầm tạo sóng từ đầu năm tới nay. Hoạt động xuất khẩu thủy sản sôi động là động lực cho đà tăng của nhóm này. Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, tăng 20 - 25% so với năm ngoái.
PDN của CTCP Cảng Đồng Nai cũng là một trong những mã ngược dòng thị trường với mức tăng gần 18%, từ mức giá 95.000 đồng/cp lên 112.000 đồng. Theo báo cáo tại đại hội cổ đông ngày 21/4, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại các thị trường chính là Bình Dương, Đồng Nai nhưng PDN vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt.
Trong năm 2021, doanh nghiệp đạt tổng doanh thu 904 tỷ đồng, đạt 110,29% kế hoạch và tăng 12,56% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 161 tỷ đồng, đạt 110,42% kế hoạch và vượt 0,82% so với cùng kỳ. Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng, thu nhập bình quân người lao động PDN đã tăng lên mức gần 25 triệu đồng/người/tháng. Tổng tài sản của PDN cũng tăng 12,3% so với năm trước, đạt gần 1.142 tỷ đồng (ghi nhận vào ngày 31/12/2021).
Năm 2022, PDN đã thông qua kế hoạch tăng trưởng doanh thu đạt 940 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 5/2022, công ty sẽ đưa vào vận hành máy soi container di động tại Cảng Long Bình Tân nhằm phục vụ cho các hoạt động hải quan cửa khẩu (kể cả khu vực Cảng Gò Dầu).
Theo báo cáo tài chính quý 1/2022 vừa công bố, PDN đạt doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 233,5 tỷ đồng. Nhờ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 10% nên lợi nhuận trước thuế tăng 30%, đạt 50 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng nhóm cổ phiếu vận tải biển vẫn "sáng cửa" để đầu tư nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ: Thu hút FDI tiếp tục tăng trưởng, hoạt động sản xuất cải thiện, vận tải đường thủy phục hồi, tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam hồi phục…
Cổ phiếu PDN liên tục có những đợt điều chỉnh mạnh. TradingView |
Mã ngược dòng tốt tiếp theo là MIG của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC). Dù có những phiên điều chỉnh nhưng sau 2 tuần, mức tăng của cổ phiếu này cũng đạt 14%, từ mức giá 26.200 đồng lên 29.800 đồng. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, thị giá MIG đã tăng gần 48%.
Bảo hiểm cũng là nhóm ngành tạo sóng trong 3 tháng đầu năm. Bluechip BVH (Tập đoàn Bảo Việt) cũng có nhiều phiên tăng mạnh, thậm chí tím trần. Trong báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu bảo hiểm vừa đưa ra, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 trở lại với đà tăng trưởng cao sau hai năm 2020 và 2021 giảm tăng trưởng do dịch bệnh.
Trong đại hội cổ đông ngày 21/4 vừa qua, Bảo hiểm Quân đội đặt mục tiêu kinh doanh đạt top 3 thị phần bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Giai đoạn 2022 – 2026, doanh thu tăng tối thiểu 23%, lợi nhuận tăng 30%. Vốn chủ sở hữu tăng 20%, ROE đến năm 2026 ít nhất đạt 20%. Năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu tối thiểu tăng 40%; lợi nhuận tăng tối thiểu 35% và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 15%. Năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của MIG là 223,8 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022, MIG đạt doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 821 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 68 tỷ đồng, tăng 84%.
VNS của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Taxi Vinasun) dù không hưởng lợi từ sóng ngành, nhưng cũng có mức tăng18% giữa những phiên thị trường đỏ lửa. Công ty này vừa báo lãi sau thuế quý 1/2022 đạt 12,5 tỷ đồng, ghi nhận quý đầu tiên có lãi sau khi đã lỗ 8 quý liên tiếp trong 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Vinasun cho biết, công ty xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là chấm dứt thua lỗ và kinh doanh có lãi. Để thực hiện mục tiêu này, Vinasun đẩy nhanh việc thanh lý xe nhằm giảm chi phí khấu hao và hạn chế thấp nhất số lượng xe nằm bãi. Năm qua, công ty mẹ Vinasun đã đầu tư 70 xe và thanh lý 1.887 xe. Như vậy, tổng số xe của Vinasun đến cuối năm 2021 chỉ còn 2.071 chiếc.
Ngoài các mã hiếm hoi duy trì được mức tăng hai con số trên, nhiều cổ phiếu cũng đứng vững trong hai tuần thị trường sóng gió, như VSC của CTCP Container Việt Nam (+9,6%), FRT của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, +6%), DGW của CTCP Thế giới số (Digiworld, +6,8%). Đáng chú ý, các mã lớn như MWG, PNJ, FPT, VHC, MSN, DGC, BVH… cũng giữ được mức tăng dù cũng có nhiều phiên điều chỉnh.