Triển vọng thị trường M&A Việt Nam năm 2022

Triển vọng thị trường M&A Việt Nam năm 2022

M&A Việt nAM
07:06 - 18/02/2022
Báo cáo trong hội thảo về triển vọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2022 và tương lai, do ScoutAsia và FiinGroup JSC tổ chức, cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt thông qua M&A.

Xét từ góc độ kinh tế vĩ mô, FiinGroup dự báo 2022 sẽ là năm tăng trưởng mạnh của kinh tế Việt Nam nhờ tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 hiệu quả và chính sách mở cửa trở lại. Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kim ngạch thương mại, đặc biệt là xuất khẩu.

Vốn FDI đăng ký năm 2021 tăng 9% so với năm 2020 tuy FDI giải ngân giảm nhẹ. Năng lượng và sản xuất tiếp tục là các lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong FDI đăng ký mới năm 2021, lần lượt là 40,8% và 38,7%. Đặc biệt, tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cũng đạt mức kỷ lục 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021.

Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính bởi các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Những thương vụ lớn đã diễn ra như Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui đầu tư 1,3 tỉ USD vào FE Credit; Quỹ SK South East Asia đầu tư 410 triệu USD vào Vincommerce hay Baring và Alibaba rót 400 triệu USD vào CrownX.

Trên thực tế, các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)... mà Việt Nam tích cực tham gia được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn.

Điều này sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nền tảng, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh... Ngoài ra, các FTA không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại, mà còn góp phần dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư thông qua các hoạt động M&A, vào Việt Nam.

Nhận diện xu hướng M&A, ông Lê Xuân Đông, giám đốc điều hành, trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường & Dịch vụ Tư vấn FiinGroup nhận định, năng lượng, logistics, tài chính - ngân hàng và công nghệ sẽ là những lĩnh vực thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Theo báo cáo của FiinGroup, năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhất cho đầu tư. Trong 5 năm qua, năng lượng tái tạo ở Việt Nam tăng trưởng 8,4%.

Năm 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 31 trong danh sách các quốc gia có độ thu hút cao về các cơ hội đầu tư và triển khai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đồng thời, cùng với chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo, các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam.

Theo tính toán, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 11,8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỷ kWh vào năm 2023. Để bù đắp sản lượng thiếu hụt này, ước tính từ nay đến 2030 sẽ cần trên 12 tỷ USD mỗi năm để đầu tư nguồn điện mới. Như vậy, ngành điện là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Với nhu cầu lớn như vậy, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang quan tâm nhiều đến năng lượng tái tạo, bởi vì họ nhìn ra những bài toán trong tương lai rất sát với những đánh giá của chính Việt Nam.

Họ nhìn nhận, trong tương lai gần, Việt Nam muốn phát triển và vươn lên thành một nước hùng cường, có thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 USD vào năm 2045 thì buộc phải phát triển về khoa học công nghệ có liên quan đến tiêu thụ năng lượng lớn.

Trên thực tế, với dòng đầu tư trong nước, khi các doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng như gió, mặt trời… đều phải đi vay vốn ngân hàng. Vốn của các doanh nghiệp Việt Nam để đáp ứng được 30% dự án là vô cùng khó.

Tuy nhiên, các nguồn vốn vay tại Việt Nam thường là vay ngắn hoặc trung hạn. Trong khi đó, để đáp ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư về năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời thì phải cần đến dòng vốn dài hạn. Chính vì thế,các tập đoàn M&A nước ngoài với thế mạnh về vốn và công nghệ là hoàn toàn phù hợp và cần thiết.

Việt Nam hiện có khoảng 4.000 - 4.500 doanh nghiệp cung cấp logistics trực tiếp và có đến hơn 30.000 công ty liên quan. Mặc dù chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam tăng trưởng hiếm có, tăng tới 54%, đạt gần 5 triệu tấn so với năm 2020.

Chính sự tăng trưởng tích cực này đã giúp Việt Nam vươn lên đứng thứ 8 trong số 50 thị trường mới nổi trong báo cáo chỉ số Logistic mới nổi 2021 của Agility - một trong những công ty logistics hàng đầu thế giới.

Theo đó, trong hội thảo Vietnam: Foreign Investment outlook for 2022 and beyond mới đây, đại diện FiinGroup đã chia sẻ triển vọng đầy tích cực của vốn đầu tư nước ngoài với ngành Logistics: Dòng tiền đầu tư vào phân khúc logistics tại Châu Á - Thái Bình Dương là rất mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những thị trường hấp dẫn nhất nhờ vào lực lượng lao động trẻ, nền kinh tế ngày càng phát triển và tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp logistics trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ với các kho bãi truyền thống, thiếu cơ sở hạ tầng, công nghệ và vốn. Do đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi vào Việt Nam tạo được doanh thu nhiều hơn tại thị trường do họ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các công ty trong nước.

Ngoài ra, ngành logistics cũng được dự báo sẽ chiếm 8-10% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2025 với dư địa lớn và nhiều triển vọng từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Pháp...

Có nhiều minh chứng rõ ràng cho thấy ngành ngân hàng Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển. Chính phủ Việt Nam tương đối cởi mở trong việc hợp tác với các nước khác trong khu vực châu Á cũng như khuyến khích tiếp thu, học hỏi công nghệ mới.

Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia có dân số hàng đầu trong khu vực ASEAN với tỷ lệ tiết kiệm cao và tiềm năng tăng trưởng thu nhập nhanh kéo theo sự phát triển của các hoạt động hoạch định tài chính và quản lý tài sản. Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng GDP vào khoảng 6,5%/năm trong vòng 5 năm tới, góp phần nâng mức thu nhập và mở rộng tầng lớp trung lưu vốn đang phát triển nhanh trong những năm qua.

Nhìn vào thực tế, M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng sôi động trong 2021, với kỷ lục là thương vụ VPBank bán 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật Bản, thu về gần 1,4 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê của hãng Luật White & Case, báo cáo mới đây về ngành ngân hàng của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết: Trong 9 tháng năm 2021, Việt Nam có 41 thương vụ M&A doanh nghiệp với tổng giá trị 3,01 tỷ USD; trong đó, riêng ngành dịch vụ tài chính ghi nhận 1,47 tỷ USD, chiếm gần 50%.

Đại dịch COVID-19 làm thị trường M&A lắng xuống, nhưng nhờ sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài mà thị trường trở nên sôi động và dự diến các thương vụ M&A sẽ nở rộ từ quý 4/2021.

Trong buổi hội thảo, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong năm 2022 ngành dịch vụ tài chính Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến đầu tư quan trọng của các định chế tài chính nước ngoài, đặc biệt là ở khu vực châu Á.

Số lượng ngân hàng, công ty tài chính tham gia thị trường khá nhiều, trong khi đó Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để lĩnh vực này ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Do vậy, hoạt động M&A sẽ được đẩy mạnh để củng cố lại ngành dịch vụ tài chính trong thời gian tới.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với giá trị giao dịch ước tính đến hết 10 tháng năm 2021 là khoảng 963 triệu USD, tăng gấp hơn ba lần so với cả năm 2020.

FiinGroup cho rằng các động lực tăng trưởng chính cho lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam và hoạt động M&A trong ngành đến từ các yếu tố chủ yếu gồm:

Xu hướng chuyển đổi số hiện đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ tài chính (gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán …); bán lẻ, logistics, giáo dục, y tế …

Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số giúp cho các doanh nghiệp cải thiện trải nghiệm của khách hàng, gia tăng được tệp khách hàng mới cũng như tối ưu hóa các hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, chuyển đổi số làm tăng nhu cầu đối với các nền tảng số, các sản phẩm và dịch vụ số. Đây là môi trường rất tốt cho sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp công nghệ trong các lĩnh vực này cũng như gia tăng nhu cầu huy động vốn thông qua M&A để mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ.

Đại diện FiinGroup tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được lượng vốn đầu tư lớn từ khối các doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa đang gia tăng cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua.

Đọc tiếp