Trọng tâm hợp tác 2023: Phát huy hiệu quả nguồn vốn

Trọng tâm hợp tác 2023: Phát huy hiệu quả nguồn vốn

JICA Việt nAM
09:56 - 29/01/2023
Trước thềm năm mới, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam ông SHIMIZU Akira chia sẻ với Mekong ASEAN về các điểm hợp tác nổi bật, hướng đến những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong năm 2023.

Trong nhiều năm, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản(JICA) đã nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và thắt chặt mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thông qua các hình thức hợp tác, như: hợp tác Kỹ thuật, vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại. Trong đó, xác định phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Mekong ASEAN: Nếu được chọn chủ đề cho năm hợp tác tiếp theo JICA – Việt Nam, ông cho rằng chủ đề nào là thích hợp? 2023 được đánh là có nhiều biến động, bất định từ bối cảnh thế giới, ông có cho rằng các hoạt động hợp tác cần có sự đổi mới để thích nghi?

Ông SHIMIZU Akira: Theo số liệu của Chính phủ Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt 8,02%.

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ổn định từ năm 2022 cùng với chính sách “sống chung với Covid-19” và bổ sung ngân sách. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần thận trọng trước những biến động của kinh tế thế giới đến từ tác động của cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine; các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất, và lạm phát toàn cầu… Trên cơ sở đó, từ năm 2023, JICA sẽ tập trung hợp tác với Việt Nam trên bốn lĩnh vực.

Thứ nhất là hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó, một dự án tiêu biểu có thể kể đến là tuyến đường sắt đô thị TP HCM.

Các khoản vay ODA của Nhật Bản cho phép hoàn trả trong dài hạn với lãi suất thấp và ổn định, đồng thời được thực hiện phối hợp với các dự án hợp tác kỹ thuật bằng vốn không hoàn lại trong quản lý, vận hành và bảo trì sau khi các dự án, công trình hoàn thành.

Vì lý do này, ODA Nhật Bản trong tương lai vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, là động lực tăng trưởng của Việt Nam. Tôi mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng ODA một cách hiệu quả và coi đây là một phương thức huy động vốn thuận tiện, đồng thời là cách thức để có thể đưa công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào áp dụng tại Việt Nam.

Thứ hai là hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực. JICA tiếp tục hợp tác với trường Đại học Việt Nhật (VJU) mở thêm khóa đào tạo Tiến sĩ, xây dựng cơ sở mới tại Hòa Lạc - Hà Nội. Từ năm 2023 thông qua dự án vốn vay ODA và dự án hợp tác kỹ thuật, đặt mục tiêu đưa Đại học Việt Nhật trở thành trường đại học tổng hợp với quy mô 6.000 sinh viên.

Ngoài ra, JICA dự kiến triển khai hợp tác kỹ thuật tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với thực tập sinh kỹ năng, nhằm tạo môi trường nghề nghiệp tốt hơn. Giúp nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng phù hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản, xóa bỏ môi giới việc làm bất hợp pháp, vốn là vấn nạn trong những năm gần đây.

Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực y tế. JICA đã đưa ra "Sáng kiến Y tế toàn cầu" đưa Việt Nam là quốc gia kiểu mẫu. Sáng kiến nhằm đẩy mạnh cam kết hợp tác hơn nữa trong công cuộc xây dựng một xã hội ứng phó mạnh mẽ với các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm mới ngay cả khi dịch Covid-19 kết thúc.

Cụ thể, JICA sẽ triển khai các hợp tác thông qua 3 bệnh viện nòng cốt đã có quan hệ hợp tác trong thời gian dài là Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế tại Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP HCM, thiết lập hệ thống đào tạo từ xa tại các cơ sở y tế địa phương ứng dụng kỹ thuật chuyển đổi số (DX).

Bên cạnh đó, JICA sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học nhằm hỗ trợ Việt Nam cải tiến kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc điều dưỡng để đối phó với tình trạng già hóa dân số đang trở thành một vấn đề mới tại Việt Nam.

Thứ tư là hợp tác hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Năm 2022, JICA đã ký kết Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn trị giá 25 triệu USD cho Dự án phát triển điện gió tại tỉnh Quảng Trị. Cùng với đó, JICA cũng đang xem xét các khoản tín dụng mới cho vay nhằm phát triển sản xuất điện mặt trời và điện gió.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang triển khai một số hợp tác phù hợp với nhu cầu của Việt Nam như: Hỗ trợ ban hành và sửa đổi Luật bảo vệ môi trường; tiếp tục phái cử sang Việt Nam chuyên gia về tăng trưởng xanh và chuyên gia về chính sách thoát nước; triển khai dự án khu công nghiệp thông minh theo hướng sinh thái tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050.

JICA có nhiều sáng kiến hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực y tế.
JICA có nhiều sáng kiến hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực y tế.

Mekong ASEAN: JICA đã nhận định, nhân lực chính là một trong những yếu tố để Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững tạo đà phát triển cho 2023. Trong năm tới, JICA sẽ hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nhân lực thông qua các hoạt động chính nào, thưa ông?

Ông SHIMIZU Akira: Việt Nam sẽ dần mất đi lợi thế về nguồn nhân lực do tình hình già hóa dân số trong 30 năm tới, và mô hình kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ hiện tại sẽ gặp nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam tương đối thấp so với nhiều quốc gia ASEAN khác, nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động được đào tạo lành nghề còn hạn chế để đáp ứng được với cơ hội việc làm tăng cao.

Do vậy, Việt Nam cần khẩn trương phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động trong thời gian tới. JICA đã và đang hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững thông qua các hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, như hợp tác với trường Đại học Việt - Nhật (VJU), Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), và hợp tác kỹ thuật hỗ trợ thực tập sinh kỹ năng.

Ngoài ra, trong thời gian tới, việc nâng cao giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam hầu như không thay đổi nhiều so với khoảng 10 năm trước đây.

Hiện nay, chúng tôi đang lên kế hoạch phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai một dự án hợp tác kỹ thuật, theo đó, sẽ tiến hành mua sắm trang thiết bị để nâng cấp môi trường đào tạo cho 13 trường dạy nghề nhằm nhân rộng thành quả của dự án trên.

Đồng thời, JICA sẽ đầu tư hệ thống đào tạo tận dụng những cơ sở vật chất này, tuy nhiên, hiện dự án chưa triển khai được do thủ tục hành chính chưa được thông qua. JICA đã sẵn sàng có thể triển khai dự án, chúng tôi hy vọng các vấn đề thủ tục phía Việt Nam sẽ sớm được giải quyết.

Mekong ASEAN: Một trong những trọng tâm hợp tác lớn giữa JICA và Việt Nam trong 2023 là trung hòa carbon. Nhật Bản là nước đi tiên phong trong thực hiện Sáng kiến “Cộng đồng không phát thải châu Á” do Thủ tướng Fumio Kishida khởi xướng, JICA sẽ có những chương trình cụ thể gì để hỗ trợ Việt Nam về mục tiêu này trong năm tới?

Ông SHIMIZU Akira: Như tôi đã đề cập ở trên, năm 2022, JICA đã ký kết Hợp đồng tín dụng trị giá 25 triệu USD nhằm tài trợ vốn cho Dự án điện gió trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị và đang tiếp tục xem xét nguồn tín dụng mới cho phát triển sản xuất điện mặt trời và điện gió, đóng góp vào “Sáng kiến cộng đồng không phát thải Châu Á”.

Ngoài ra, bên cạnh Dự án hợp tác kỹ thuật “Hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC)” đang thực hiện, JICA cũng đang triển khai một số hợp tác phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Các hợp tác, gồm: Hỗ trợ ban hành và sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, tiếp tục cử chuyên gia về tăng trưởng xanh và chuyên gia về chính sách thoát nước, triển khai dự án khu công nghiệp thông minh theo hướng sinh thái tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050.

Ngoài ra, trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên là giải pháp trọng yếu để đạt được trung hòa carbon. JICA dự định sẽ tiếp cận Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund – GCF) thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên của Dự án hợp tác kỹ thuật “Hỗ trợ kỹ thuật Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” (giai đoạn 2)”. Nếu được phê duyệt, nguồn quỹ này sẽ trở thành động lực thúc đẩy hơn nữa việc bảo tồn môi trường thiên nhiên.

Mekong ASEAN: Nông nghiệp là ngành có vai trò trụ đỡ đối với Việt Nam, JICA dự kiến triển khai các hoạt động hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh theo hướng nào để nông nghiệp Việt Nam làm tốt vai trò của mình trong bối cảnh khủng hoảng lương thực đe dọa toàn cầu, thưa ông?

Ông SHIMIZU Akira: Hiện tại có hơn 400.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Số lượng nhà hàng Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng tăng, nhu cầu về nguyên liệu thực phẩm Việt Nam tại Nhật Bản do vậy cũng gia tăng đáng kể. Chúng ta có thể thấy được điều này qua việc Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu vải và xoài từ Việt Nam.

Hội thảo “Giới thiệu Diễn đàn thị trường nông nghiệp (AMPF)” do JICA tổ chức tại Nghệ An vào ngày 18/8/2022.
Hội thảo “Giới thiệu Diễn đàn thị trường nông nghiệp (AMPF)” do JICA tổ chức tại Nghệ An vào ngày 18/8/2022.

Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất nông nghiệp kéo theo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học tràn lan khiến an toàn thực phẩm trở thành vấn đề cấp thiết tại Việt Nam.

Ở Nhật Bản, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được quy định rất nghiêm ngặt, người tiêu dùng Nhật Bản cũng rất thận trọng trong sử dụng thực phẩm. Vì vậy, các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam cần hết sức cẩn trọng khi xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang Nhật Bản.

JICA đang triển khai Dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” với mục tiêu nâng cao nhận thức, cải tiến kỹ thuật, góp phần thúc đẩy sản xuất cây trồng an toàn, làm tăng giá trị cho nông sản Việt Nam.

Mekong ASEAN: Xin ông cho biết cảm nhận khi Việt Nam – Nhật Bản chuẩn bị bước vào kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương 2023?

Ông SHIMIZU Akira: Năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hướng tới dấu mốc quan trọng này, JICA sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác ODA.

Đặc biệt, JICA sẽ thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa con người với con người, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước, để quan hệ Nhật Bản - Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến nhảy vọt trong 50 năm tới.

Mekong ASEAN xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp