Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 8 năm 2023, tình hình nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam khá tích cực, cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như tiềm năng của các các doanh nghiệp Việt.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2023, có 94.723 nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, có 69.555 nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, chiếm 73,4% và 25.168 nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, chiếm 26,6%.
Về số vốn, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam đạt gần 5,9 triệu tỷ đồng, tương đương gần 243 tỷ USD.
Trong đó vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tương đương gần 110 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 58,9% trong tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp Việt Nam.
Vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng, gần 132 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 70,6% trong tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý, mặc dù số lượng nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức chỉ gần bằng 1/3 số lượng nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, nhưng giá trị vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức tương đương 1,2 lần giá trị vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân.
Về lãnh thổ đầu tư, hiện nay, có khoảng 170 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong đó, 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn nhiều nhất tại các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm tới 86% tổng số vốn góp và 77% tổng số nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam.
Trung Quốc dẫn đầu danh sách khi góp vốn 1.031 tỷ đồng vào 12.113 doanh nghiệp Việt Nam. Hàn Quốc xếp thứ hai với 920 tỷ đồng vốn góp tại 18.109 doanh nghiệp Việt Nam. Đứng thứ ba là đảo Đài Loan (Trung Quốc) với 841 tỷ đồng vốn góp tại 4.912 doanh nghiệp.
Về địa phương nhận đầu tư, tình hình nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam phân theo vùng của Việt Nam. Trong đó, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng là hai khu vực duy nhất có cả số lượng doanh nghiệp, số vốn góp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp lớn nhất.
Cụ thể, tại Vùng Đông Nam Bộ, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại 42.310 doanh nghiệp, số vốn góp khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, tương đương gần 110 tỷ USD, chiếm khoảng 63% tổng vốn đăng ký.
Đồng bằng Sông Hồng, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại 19.947 doanh nghiệp, số vốn góp hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương gần 70 tỷ USD, chiếm khoảng 57% tổng vốn đăng ký).
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại 5.097 doanh nghiệp, số vốn góp hơn 730 nghìn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, chiếm khoảng 62% tổng vốn đăng ký.
Đồng bằng Sông Cửu Long, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại 3.286 doanh nghiệp, số vốn góp hơn 362 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 15 tỷ USD, chiếm khoảng 52% tổng vốn đăng ký.
3 địa phương có số doanh nghiệp và số vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước là TP HCM, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại 32.143 doanh nghiệp, với số vốn góp hơn 952 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 39 tỷ USD chiếm 56% tổng vốn đăng ký.
Đứng thứ hai là TP Hà Nội với 11.185 doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, với số vốn góp hơn 700 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 29 tỷ USD, chiếm 45% tổng vốn đăng ký.
Vị trí thứ ba thuộc về Bình Dương với 5.952 doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, với số vốn góp hơn 620 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 25 tỷ USD, chiếm 67% vốn đăng ký.