TS.Võ Trí Thành: “Dư địa tài khóa của Việt Nam còn nhiều”

TS.Võ Trí Thành: “Dư địa tài khóa của Việt Nam còn nhiều”

TÀI CHÍNH Việt nAM
22:13 - 07/10/2021
TS.Võ Trí Thành cho rằng: "Công cụ tài khóa - tiền tệ còn nhiều, kết hợp với phương pháp thực thi đúng đắn, kịp thời sẽ giúp giải bài toán tăng trưởng".

Trao đổi với MEKONG ASEAN, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Công cụ tài khóa - tiền tệ trong chính sách còn nhiều, kết hợp với phương pháp thực thi đúng đắn, kịp thời sẽ giúp giải bài toán tăng trưởng.

Thưa ông, Tổng cục Thống kê gần đây công bố dữ liệu GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% - mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP quý đến nay. Theo ông, Chính phủ cần kết hợp chính sách tài khóa - tiền tệ ra sao để giải bài toán tăng trưởng ở thời điểm này?

Một số cơ quan nghiên cứu trong, ngoài nước đánh giá mặc dù Chính phủ có nhiều nỗ lực nhưng cho đến nay, các gói hỗ trợ của Việt Nam là chưa đủ liều lượng. Từ góc độ chính sách tiền tệ, ta có giãn, hoãn nợ các khoản vay hiện hữu, giảm lãi suất, giảm phí… Từ góc độ tài khóa, ta có các gói chi tiêu, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, so với các nước bạn, chính sách tiền tệ của ta mới ở mức trung bình còn hỗ trợ tài khóa thì đang ở mức thấp, nếu không muốn nói là quá thấp.

Hiện tại, có nhiều kiến nghị cần tăng cường hỗ trợ tài khóa, đặc biệt quan tâm đến vấn đề chi tiêu đủ lớn để duy trì động lực tăng trưởng.

Tinh thần của chương trình do Bộ KH&ĐT đang thảo về kế hoạch phục hồi - phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 cũng nhấn mạnh mức hỗ trợ đủ lớn cho nền kinh tế, bởi Việt Nam dù nghèo nhưng dư địa tài khóa còn nhiều. Đầu tư công tăng chậm trong những năm qua dẫn đến trần nợ công tính trên GDP đang thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép. Ngân sách tính đến tháng 09/2021 vẫn ổn định, dự trữ ngoại tệ chưa bao giờ xấp xỉ mức 100 tỷ USD như hiện tại. Nhìn ra quốc tế, rất nhiều Chính phủ sử dụng một tỷ trọng lớn dự trữ ngoại hối để hỗ trợ nền kinh tế.

Hy vọng trong những tháng tiếp theo, bên cạnh các giải pháp hiện đang triển khai, Chính phủ sẽ tung thêm các gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn để thúc đẩy phục hồi và cải cách, tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn. Công cụ tài khóa - tiền tệ còn nhiều, nhưng quan trọng là phương pháp thực thi đúng đắn, quyết liệt, kịp thời. Ta có công cụ trong tay, nhưng sử dụng ra sao về mặt kỹ thuật, liều lượng, thời gian, đó là điều cần cân nhắc.

Hiện nay các ngân hàng đang lên kế hoạch cho gói hỗ trợ lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng, tương ứng dư nợ lên tới 100.000 tỷ đồng để "cấp cứu" cho các doanh nghiệp kiệt quệ vì COVID-19. Theo ông, gói 100.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi này liệu có đủ?

Việt Nam từng có tiền lệ thực hiện cấp bù lãi suất năm 2009, với gói tài trợ lãi suất lên tới khoảng 19.000 tỷ đồng, mức tài trợ khoảng 4% lãi suất. Nhưng gói cấp bù lãi suất được triển khai quá đại trà, tín dụng nới lỏng quá mức dẫn đến tình trạng bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng vọt. Hàng loạt yếu tố đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có lúc vượt 30%, dòng thanh khoản khô héo, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Cho đến giờ, đã 10 năm trôi qua, vấn đề nợ xấu vẫn chưa xử lý xong.

Nhưng tôi cho rằng, tại thời điểm này, hệ thống tài chính ngân hàng dù còn nhiều vấn đề như ngân hàng 0 đồng, nợ xấu, nhưng nhìn chung, so với giai đoạn 2010-2012 thì lành mạnh hơn rất nhiều.

Gói cấp bù lãi suất năm nay được đề xuất khoảng 3.000 tỷ tương ứng với dư nợ 100.000 tỷ; thậm chí có thể lớn hơn nữa do mức dư nợ của nền kinh tế hiện lên tới 9,7-9,8 triệu tỷ đồng. Có bài học nhãn tiền năm 2009, tin rằng trong lần thực hiện cấp bù lãi suất này, Chính phủ sẽ có công cụ thực hiện hài hòa và hợp lý hơn, đảm bảo ổn định vĩ mô, không gây đổ vỡ tài chính.

Phía NHNN thông tin tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tiềm ẩn có thể lên xấp xỉ 8% cuối năm nay. Bộ KHĐT kiến nghị trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Ông nhận định thế nào về con số nợ xấu cao như vậy cũng như việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, thưa ông?

Trong những năm qua, nước ta đã có nhiều tiến bộ trong việc chấp nhận và xử lý nợ xấu. Điểm thuận lợi là lạm phát đang tương đối thấp, nói vui là cứ in tiền mà chi.

Vừa rồi, sàn giao dịch nợ xấu do Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC) đã thông báo khai trương, trong đó chuyên mua bán nợ, tài sản trên thị trường. Đây là một cơ chế mới hứa hẹn tạo lập một môi trường mua bán nợ xấu hiệu quả và sôi động, nhất là trong bối cảnh nợ xấu chắc chắn dềnh lên trong những năm tới.

Nhìn chung, để xử lý vấn đề nợ xấu và đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh, có thể phối kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, phối kết hợp nhiều bộ ngành, đảm bảo cân bằng và hài hòa chính sách, đảm bảo giám sát và quản trị vĩ mô từng ngân hàng thương mại. Nếu không giám sát chặt chẽ, không có nguồn thông tin và dữ liệu tốt, ta sẽ không có cách ứng xử tốt, không phối hợp tốt, dẫn đến chiến thuật không hiệu quả.

Tôi nhắc lại lần nữa, liên quan đến vấn đề nợ xấu, bên cạnh để cho thị trường hoạt động theo đúng nghĩa thị trường, việc giám sát dòng tiền là rất quan trọng. Không chỉ giám sát dòng tiền hỗ trợ kinh tế mà phải giám sát chặt chẽ dòng tiền đổ vào các kênh đầu tư như bất động sản, thị trường chứng khoán…

Có ý kiến cho rằng, các ngân hàng đang chịu nhiều sức ép và bản thân họ cũng đối diện những giới hạn nhất định trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Liệu hệ thống ngân hàng có đang “quá sức”, thưa ông?

Tại Việt Nam, trong lịch sử hàng chục năm qua, bao giờ gánh nặng cũng đặt lên vai chính sách tiền tệ và các ngân hàng. Cần nói rằng vai trò của ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là vô cùng quan trọng, nhưng sức ép quá lớn với hệ thống ngân hàng sẽ tạo nên nhiều hệ lụy, đặc biệt là sự dềnh lên của nợ xấu do các biện pháp giãn nợ, tái cơ cấu nợ…

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp