Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, tỷ giá liên ngân hàng USD/VND đã quay trở lại vùng đỉnh cuối tháng 10/2023 khi đạt mức 24.648 vào cuối tháng 2/2024, tăng 1,56% so với đầu năm.
Theo KBSV, tỷ giá tăng nóng xuất phát từ các yếu tố như chỉ số USD Index (DXY) tiếp tục mạnh lên. Áp lực từ chênh lệch lãi suất USD/VND vẫn hiện hữu và một lượng lớn ngoại tệ chảy ra khỏi hệ thống phục vụ hoạt động nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu của doanh nghiệp giai đoạn đầu năm. Trong khi đó, nguồn ngoại tệ thu về từ các doanh nghiệp xuất khẩu chưa ngay lập tức quay trở lại hệ thống.
KBSV cũng đánh giá Chỉ số giá PCE tháng 1 của Mỹ không cho thấy sự bất ngờ nào khi giảm xuống phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Cụ thể, PCE tháng 1 đạt 2,4%, PCE lõi giảm xuống 2,8% và là mức PCE thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu đầu tiên về việc lạm phát Mỹ có thể quay trở lại. Giá dịch vụ đo lường theo ISM Services Prices đã tăng mạnh lên 64 điểm trong tháng 1 từ 56,7 điểm trong tháng 12/2023. Cuộc khảo sát của NFIB về khả năng tăng giá bán của các doanh nghiệp cho thấy, trong ba tháng qua xác suất đã tăng từ 20% lên 40%.
Do đó, các chuyên gia KBSV nhận thấy rủi ro lạm phát của Mỹ có thể tiếp tục làm chỉ số DXY tăng cao, gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, KBSV cũng đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tích cực đang là yếu tố hỗ trợ tỷ giá. Vốn FDI đăng ký tính đến ngày 20/2 đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện hai tháng đầu năm ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm đạt 113,96 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% và nhập khẩu đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18%. Tính chung hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 4,2 tỷ USD.
Dự báo tỷ giá sẽ chỉ tăng 1,5%
Đưa ra dự báo về tỷ giá, các chuyên gia phân tích từ KBSV cho rằng tỷ giá năm nay sẽ chỉ tăng 1,5% trong năm nay, đạt 24.600 USD/VND do cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn, trong bối cảnh áp lực từ chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND dù có giảm nhưng vẫn duy trì trong suốt cả năm.
Trong đó, theo chuyên gia tại công ty chứng khoán này, xuất khẩu dự kiến phục hồi tích cực với mức tăng trưởng dự báo đạt 8% - 12% nhờ tiềm năng tăng trưởng tích cực xuất khẩu do tồn kho tại Mỹ và EU đã đến giai đoạn cạn kiệt sau giai đoạn nhập khẩu nhiều trước Covid-19 do lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện cũng giúp gia tăng hơn nữa tiềm năng xuất khẩu và sức mua tiêu dùng cải thiện tương đối do lạm phát đã giảm trên toàn cầu.
"Tuy nhiên, nhập khẩu được dự báo phục hồi, khiến cán cân thương mại không thặng dư lớn như năm 2023, dự kiến đạt 12-18 tỷ USD," KBSV lưu ý.
Mặt khác, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến cắt giảm lãi suất giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND, cùng triển vọng yếu đi của đồng USD, giúp giảm thiểu tâm lý găm giữ USD, đặc biệt từ các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu, qua đó hỗ trợ lớn cho dòng ngoại tệ đến từ thương mại.
Ổn định tỷ giá còn đến từ kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối tăng trưởng ổn định sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam và là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024. Chênh lệch lãi suất USD/VND giảm cũng giúp giảm bớt áp lực tỷ giá.