Chia sẻ tại hội thảo VPBankS Talk 4 diễn ra chiều 16/12, ông Đào Hồng Dương - Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu Chứng khoán VPBank (VPBankS) nêu 8 ngành nghề có triển vọng trong năm 2025.
Ông Đào Hồng Dương chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: BTC cung cấp |
Ngân hàng: Chuyên gia VPBankS dự phóng lợi nhuận trước thuế toàn ngành trong năm 2025 tăng 17,7% so với năm 2024. Điều này dựa trên giả định GDP năm 2025 đạt 6,5%, tăng trưởng tín dụng đạt 15,03% với nhu cầu từ khách hàng cá nhân quay trở lại, tích cực giải ngân đầu tư công và động lực tín dụng tăng trưởng tốt hơn từ khối khách hàng FDI, tương ứng với tỷ lệ tín dụng/GDP là 146%. Đồng thời, NIM ngành giảm nhẹ 2 điểm phần trăm so với 2024 ở mức 3,54%, do môi trường kinh doanh cạnh trạnh hơn và tỷ lệ nợ xấu (NPL) đi ngang.
Chứng khoán: Quy mô cho vay ký quỹ (margin) đầu tư tự doanh tiếp tục được gia tăng từ các đợt tăng vốn của công ty chứng khoán lớn như SSI, VND, VIX, ACBS, HSC, MBS. Trong cuối năm 2024 và năm 2025, nhiều công ty có vốn sở hữu liên kết với ngân hàng như SHS, ACBS, Kafi, TCBS tiếp tục tăng vốn. VPBankS kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành sẽ được thúc đẩy (tăng 15,2% so với cùng kỳ) nhờ gia tăng quy mô tài sản và ROA ổn định.
Bất động sản khu công nghiệp: Sau năm 2024 tăng trưởng chậm lại, VPBankS cho rằng năm 2025 sẽ ghi dấu ấn tăng trường bùng nổ với ngành này, khi dòng vốn FDI tiếp tục tích cực cùng xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI từ Trung Quốc +1 đang ngày càng rõ ràng; nguồn cung mới được tháo gỡ pháp lý sau thời gian dài bị hạn chế. Lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 30,4% so với cùng kỳ.
Bất động sản dân cư: Sau giai đoạn khó khăn 2022-2023, mảng bất động sản dân cư có bước đầu phục hồi khi các loại hình đất nền và căn hộ nhà phố dần khởi sắc trở lại từ giữa năm 2024. Đơn vị phân tích nhận thấy kỳ vọng năm 2025 sẽ có sự khởi sắc rõ nét hơn nhờ môi trường lãi suất thấp khuyến khích người mua nhà, nguồn cung ở TP HCM dần sôi động trở lại với một số dự án mà bán mới của Khang Điền (KDH) và Đất Xanh (DXG), Nhà nước thí điểm một số phương án tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư. Lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Tín dụng vay mua nhà tăng trưởng tốt khi lãi suất vay duy trì ở vùng thấp. |
Thép: Chuyên gia VPBankS kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ tiếp diễn nhớ vào giá thép đã giao dịch trong vùng đáy và sản lượng thép tiêu thụ sẽ được hỗ trợ tại thị trường nội địa với các biện pháp bảo hộ ngành khả năng cao sẽ được áp dụng. Lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 44,1% so với cùng kỳ.
Bán lẻ: Lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 15,5% so với cùng kỳ, trong bối cảnh triển vọng sức tiêu dùng tăng chậm trong cuối năm 2024 và nửa đầu năm 2025, cải thiện trong nửa cuối năm 2025.
Dầu khí: Giá dầu chịu sức ép giảm giá do dự báo nhu cầu tăng chậm trong khi nguồn cung dầu dồi dào. IEA dự báo nguồn cung sẽ vượt cầu. Ngành dầu khí trong nước ngoài sức ép từ giảm giá vẫn có những điềm lạc quan khi kinh tế tăng trưởng cao, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tiếp tục tăng 4-5%. Các dự án đầu tư thượng nguồn dầu khí được tập trung đẩy mạnh đầu tư. Lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 21,4% so với cùng kỳ.
Cảng biển: Ngành cảng và vận tải biển hưởng lợi từ hai yêu tố chính là sản lượng container qua hệ thống cảng Việt Nam dự phóng tiếp tục tăng trưởng 4% so với cùng kỳ, giá cước vận tải biển dự phóng tăng trong năm 2025. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại cụm cảng Hải Phòng có thể chịu áp lực cạnh tranh về giá bán khi công suất ở khu vực này tăng mạnh trong năm 2025. Lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Tham gia hội thảo, ông Phạm Anh Khôi - Giám đốc Đầu tư CTCP Vinhomes cho biết, 2023 là năm khó khăn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam về cả cung và cầu, đặc biệt là cầu trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Lãi suất cho vay hiện khoảng 6% nhưng thời điểm 2023 lên đến 12 – 13%, có đơn vị lên đến 16%. Còn 2024 là năm mà những khó khăn được tháo gỡ, thị trường phục hồi nhưng chưa đồng đều.
“Năm 2024 là năm của thị trường bất động sản khu vực phía Bắc, đặc biệt là vùng ven Hà Nội và các tỉnh như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh. Ngược lại, ở TP HCM hay khu vực xung quanh chưa thực sự phục hồi. Tôi kỳ vọng năm 2025 sẽ là năm phục hồi đồng đều hơn, lan tỏa ra khu vực phía Nam, những nơi đón được nguồn cung như TP HCM và vùng ven,” ông Khôi nêu kỳ vọng.
Ông Phạm Anh Khôi - Giám đốc Đầu tư CTCP Vinhomes. Ảnh: BTC cung cấp |
Nêu quan điểm với ngành ngân hàng, TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, giai đoạn đầu năm 2024, ngành ngân hàng khá chật vật để tăng trưởng tín dụng. Gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã nhanh, tính đến 13/12 tăng 12,5% so với cuối năm 2023, khả năng cả năm đạt 15% hoặc hơn.
Về nợ xấu hệ thống ngân hàng, ông Tú Anh cho rằng nên nhìn rõ hơn vào 5 ngân hàng đang giám sát đặc biệt. Tách 5 ngân hàng này ra thì nợ xấu nội bảng là 1,96%, cộng thêm nợ VAMC, nợ rủi ro thì khoảng 3,28%. “Với tốc độ tăng tín dụng nhanh và mức nợ xấu như vậy thì chất lượng tín dụng khá tốt, là nền tảng tăng trưởng tín dụng cho năm 2025,” ông Tú Anh nói.
Theo ông Tú Anh, thời gian tới các ngân hàng sẽ cải thiện NIM tốt, đẩy nhanh số hóa làm chỉ số CIR (chi phí/thu nhập) giảm nhanh, thậm chí có ngân hàng rất thấp. CIR thấp thì NIM cải thiện. “Tôi nghĩ giai đoạn 2025 - 2030, khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên thì ngành ngân hàng gánh trách nhiệm cung ứng vốn cho nền kinh tế. Các nhà đầu tư đi trước sẽ thấy đầu tư vào ngành ngân hàng thời điểm này - trước thời điểm bùng nổ, lại là khôn ngoan,” vị chuyên gia nêu quan điểm.
'Sóng nâng hạng có thể đẩy VN-Index lên mốc 1.400 điểm vào cuối năm 2025' Với kịch bản thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vào tháng 9/2025, VN-Index được dự báo có thể lên cao nhất 1.400 điểm. |