Các khoản cho vay chiếm 68% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới cập nhật, Chứng khoán Yuanta Việt Nam chỉ ra rằng, tính đến hết quý 1/2024, các khoản cho vay đang chiếm 68% tổng tài sản toàn ngành. Theo sau là cho vay đối với các tổ chức tài chính khác chiếm 14%, chứng khoán kinh doanh và đầu tư chiếm 11%, tiền mặt và tiền gửi tại NHNN chiếm 2% và các tài sản khác chiếm 5%.
Theo đó, tỷ trọng các khoản cho vay trên tổng tài sản đã tăng dần từ 61% vào năm 2015 lên 68% tại thời điểm cuối quý 1/2024.
Ngược lại, tỷ trọng chứng khoán kinh doanh và đầu tư trên tổng tài sản đã giảm từ 19% trong năm 2015 xuống còn 11% tại cuối quý 1/2024.
"Mức tỷ trọng cao của chứng khoán kinh doanh và đầu tư trên tổng tài sản trong giai đoạn 2015-2018 phần lớn là liên quan đến khoản nợ tái cơ cấu. Cụ thể, một phần đáng kể chứng khoán đầu tư trong giai đoạn này bao gồm trái phiếu của VAMC tại các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu, bao gồm STB, BID, CTG và SHB.
Tuy nhiên, tỷ lệ trái phiếu của VAMC hiện nay đang ở mức thấp hơn nhiều so với thời điểm kể trên, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự giảm tỷ trọng của khoản mục chứng khoán kinh doanh và đầu tư trong cơ cấu tổng tài sản," các chuyên gia từ Yuanta Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, tỷ trọng tiền mặt và tiền gửi tại NHNN vẫn tương đối ổn định, dao động ở mức khoảng 4% tổng tài sản trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 2% tại thời điểm kết thúc quý 1/2024.
Yuanta Việt Nam cho rằng, phần lớn nguyên nhân là do các hoạt động liên ngân hàng. Các ngân hàng có thể đã tham gia cho vay liên ngân hàng, đặc biệt là với xu hướng tăng gần đây của lãi suất liên ngân hàng.
Các ngân hàng trích lập dự phòng cao có thể ghi nhận hoàn nhập
Theo Yuanta, khi tỷ trọng các khoản cho vay trong tổng tài sản ngành ngân hàng tăng, điều đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu cũng ghi nhận tăng.
Theo thống kê của Yuanta Việt Nam, tính đến 31/3/2024, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã tăng 0,24 điểm % so với cùng kỳ 2023, lên mức 2,18%. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lại giảm tới 7 điểm % so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 87%.
"Điều này phản ánh việc chất lượng tài sản đã suy giảm trong quý 1/2024. Xu hướng này phần lớn là tác động từ thị trường bất động sản," báo cáo Yuanta Việt Nam nhận định.
Một xu hướng khác là tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tài sản của ngành ngân hàng đã giảm xuống còn 1,2% tại thời điểm kết thúc quý 1/2024, giảm 0,1 điểm % so với quý 4/2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia Yuanta Việt Nam chỉ ra rằng tỷ lệ này thấp một phần là do ảnh hưởng của 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, khi các ngân hàng này có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trên tài sản ở mức tương đối thấp.
Ngược lại, một số ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp cao hơn nhiều. Chẳng hạn ngân hàng TCB, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp chiếm 4,7% tổng tài sản; MBB chiếm 4,1%; VPB chiếm 3,8%; TPB chiếm 2,6% và SHB chiếm 2,4%...
Theo đánh giá của Yuanta Việt Nam, hầu hết trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay tái cơ cấu liên quan đến bất động sản. Trong khi đó, thị trường bất động sản đã có một số dấu hiệu cải thiện trong quý 1/2024 vừa qua. Dẫn số liệu của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch bất động sản thành công lên tới 133.512 giao dịch, tăng 22% so với quý 4/2023.
Với những phân tích như vậy, Yuanta Việt Nam dự báo tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ duy trì ở mức cao trong quý 2/2024 nhưng sẽ giảm nhẹ trong nửa sau của năm dựa vào kỳ vọng về sự tiếp tục phục hồi của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng đã trích lập dự phòng cao có thể sẽ ghi nhận hoàn nhập trong quý 4/2024, giúp thúc đẩy lợi nhuận của những ngân hàng này.