Ukraine kêu gọi LHQ làm trung gian tổ chức 'thượng đỉnh hòa bình'

chiến sự Nga - Ukraine
08:18 - 27/12/2022
Ukraine đề xuất Liên Hợp Quốc là trung gian tổ chức hội nghị hòa bình để giải quyết xung đột với Nga. Ảnh: Reuters
Ukraine đề xuất Liên Hợp Quốc là trung gian tổ chức hội nghị hòa bình để giải quyết xung đột với Nga. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh ngoại giao sẽ đóng vai trò quan trọng để giải quyết cuộc xung đột hiện nay với Nga và đề xuất Liên Hợp Quốc là bên trung gian phù hợp nhất để tổ chức "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" vào tháng 2/2023.

"Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng con đường ngoại giao. Mọi cuộc chiến đều kết thúc theo các hành động được thực hiện trên chiến trường và trên bàn đàm phán", Ngoại trưởng Ukraine trả lời trong cuộc phỏng vấn với AP.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại cuộc phỏng vấn ngày 26/12. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại cuộc phỏng vấn ngày 26/12. Ảnh: AP

Ông Kuleba cho biết, Ukraine dự định tổ chức một hội nghị hòa bình vào cuối tháng 2/2023 để chấm dứt cuộc xung đột với Nga và sẽ có các điều kiện mời Moscow tham gia.

Theo đó, nhà ngoại giao này nhận định Liên Hợp Quốc là "địa điểm phù hợp nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình, bởi vì cơ quan này không được tạo ra để thiên vị bất kỳ một quốc gia nào". Đồng thời, ông Kuleba đề xuất đích thân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sẽ làm trung gian hòa giải trong sự kiện này.

"Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã chứng tỏ ông ấy là một nhà hòa giải và trung gian đàm phán hiệu quả. Và quan trọng nhất, ông ấy là một người có nguyên tắc và chính trực. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh sự tham gia tích cực của ông ấy", Ngoại trưởng Ukraine nhận xét về ông Guterres.

Khi được hỏi về vấn đề mời Nga tham dự "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" này, ông Kuleba khẳng định Moscow trước hết phải đối mặt với "tòa án quốc tế" và bị "truy tố về tội ác chiến tranh". Ông cũng bác bỏ những lời kêu gọi đàm phán gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho rằng mọi thứ Nga thực hiện trên chiến trường "chứng minh" Moscow không muốn đối thoại.

Liên Hợp Quốc chưa phản hồi về đề xuất tổ chức "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" của Ukraine.

Trong khi đó, đáp lại bình luận của Ngoại trưởng Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng Nga “không bao giờ tuân theo các điều kiện do người khác đặt ra. Nga chỉ làm theo lẽ thường và quan điểm của mình".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp tục nhấn mạnh rằng cuộc xung đột sẽ chỉ chấm dứt khi Ukraine đáp ứng các điều kiện Moscow đưa ra.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Sputnik

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Sputnik

"Đối phương đã biết rõ các đề xuất của chúng tôi về việc phi quân sự hóa, phi phát xít hóa các vùng lãnh thổ do chính quyền Ukraine kiểm soát, loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga, bao gồm cả an ninh của những vùng lãnh thổ mới (DPR, LPR, Kherson và Zaporizhzhia)", ông Lavrov tuyên bố, theo TASS.

Ông Lavrov nhấn mạnh: "Vấn đề rất đơn giản: Hãy chấp nhận các đề xuất này một cách thân thiện vì lợi ích của chính các vị. Nếu không, Quân đội Nga sẽ giải quyết các vấn đề này".

Khi được hỏi về việc xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài bao lâu, ông Lavrov nói: "Bóng đang ở sân của Kiev và phía sau là Washington".

Hồi tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu trước các nhà lãnh đạo G20 ở Indonesia và đưa ra một "công thức hòa bình" gồm 10 điểm, bao gồm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Nga rút toàn bộ ​​​​quân đội khỏi Ukraine.

Trong khi đó, Nga nhấn mạnh rằng Kiev phải "công nhận thực tế trên thực địa" là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào, bao gồm cả tình trạng mới của 4 vùng đất Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia là một phần của Nga.

Tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết không có kế hoạch hòa bình nào của Ukraine có thể thành công nếu không tính đến “tình trạng thực tế". Điều này ám chỉ yêu cầu của Moscow rằng Kiev phải công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea (được sáp nhập vào năm 2014), cũng như các lợi ích lãnh thổ khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.