

![]() |
Theo quan điểm của lãnh đạo PAN Group, văn hóa doanh nghiệp chính là lý do để một doanh nghiệp tồn tại, giống như thỏi nam châm thu hút các cá nhân lại với nhau, thu hút được khách hàng, bởi văn hóa phản chiếu được giá trị và khát vọng của doanh nghiệp.
Hệ sinh thái là mô hình mà nhiều doanh nghiệp đang hướng đến hiện nay. Đó là các tập đoàn lớn, thông qua các thương vụ M&A để tập hợp một đội ngũ công ty nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín, từ nguyên liệu sản xuất tới đầu ra. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp với chuyển biến của thị trường, đồng thời tiết kiệm chi phí, nhân lực, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Là lãnh đạo một doanh nghiệp đang vận hành theo mô hình hệ sinh thái, bà Nguyễn Thị Trà My - Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN (The PAN Group) cho rằng, thách thức lớn nhất khi xây dựng mô hình này là vấn đề “hợp nhất để tạo thêm giá trị”. Tức là làm thế nào khi đưa các công ty bên ngoài vào chung hệ sinh thái, có thể giúp cho hệ sinh thái hoàn thiện hơn và cùng tạo ra giá trị lớn hơn so với việc hoạt động riêng rẽ, để 1 + 1 phải lớn hơn 2.
Thực tế, để làm được điều này không dễ, bằng chứng là một nghiên cứu gần đây của hai giáo sư Đại học New York và Đại học Buffalo khảo sát trên 40.000 vụ M&A trong vòng 40 năm qua trên thế giới cho thấy tỷ lệ thất bại hậu M&A lên đến 70 - 75%. Tuy nhiên, nhờ triết lý coi trọng quản trị công ty kết hợp việc sử dụng văn hóa doanh nghiệp như một chất kết dính vô hình, bà Nguyễn Thị Trà My cho biết PAN đã thành công trong hầu hết các thương vụ.
![]() |
PAN Group là một trong những doanh nghiệp đầu ngành nông nghiệp và thực phẩm hiện nay. Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, CTCP Khử trùng Việt Nam, CTCP Bibica, CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An, CTCP Thực phẩm Sao Ta, CTCP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Bến Tre… - những cái tên lâu đời và quen thuộc trong ngành đều là thành viên của PAN Group.
Với hệ sinh thái 11 công ty thành viên, 46 nhà máy trải dài trên cả nước, liên kết với hàng triệu nông dân, văn hóa doanh nghiệp là một trong những định hướng chiến lược được PAN Group tập trung xây dựng để các thành viên tổ chức hiểu rõ giá trị cốt lõi, đồng lòng thực hiện mục tiêu.
“Chúng tôi luôn tin rằng, văn hóa doanh nghiệp được thể hiện mạnh mẽ và đặc sắc sẽ mang lại cho con người trong tổ chức cảm giác họ thuộc về nơi này và có mục đích rõ ràng trong công việc, từ đó tạo ra sức mạnh tập thể để thực hiện mục tiêu phát triển chung. Khi văn hóa nhất quán với mục đích, doanh nghiệp sẽ truyền cảm hứng không chỉ cho nội bộ mà cho cả khách hàng của mình,” bà Nguyễn Thị Trà My chia sẻ.
Theo lãnh đạo PAN Group, trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, nơi sự biến đổi diễn ra nhanh chóng và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, văn hóa doanh nghiệp càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đó chính là “kim chỉ nam” giúp các thành viên tổ chức hiểu rõ giá trị cốt lõi, từ đó đồng lòng thực hiện mục tiêu. Đồng thời giúp thúc đẩy sự gắn kết, gia tăng lòng trung thành và tinh thần làm việc nhóm. Đặc biệt còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, giúp công ty khác biệt so với đối thủ, thu hút nhân tài, đối tác và nhà đầu tư.
![]() |
![]() |
PAN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, yêu cầu chuỗi cung ứng cần sự phối hợp chặt chẽ, sản phẩm đầu ra gắn liền với những nhu cầu cơ bản nhất của con người và ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường. Vì vậy, yếu tố quan trọng đầu tiên mà tập đoàn hướng đến khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp là mục tiêu bền vững và trách nhiệm xã hội. Điều này được truyền tải mạnh mẽ từ những người sáng lập (Chủ tịch HĐQT, CEO) đến tất cả nhân viên, đồng thời cũng là cam kết của doanh nghiệp với các cổ đông, khách hàng và các bên liên quan.
“Tất cả các quyết định kinh doanh của chúng tôi đều dựa trên không chỉ lợi ích trước mắt, mà phải cân nhắc tác động lâu dài đến lợi ích kinh tế, môi trường sống và cộng đồng xã hội. Tôi cho rằng không thể có thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm nếu không hành động dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững,” lãnh đạo PAN Group nói.
Do đó, PAN đã hình thành một hệ thống quản trị bền vững, từ cấp cao nhất là tiểu ban phát triển bền vững thuộc HĐQT, đến ban chỉ đạo phát triển bền vững của tập đoàn và cuối cùng là bộ phận triển khai chuyên trách và giám sát tuân thủ các tiêu chí về phát triển bền vững, đồng thời có đánh giá hàng năm tại tất cả các đơn vị thành viên để tiến hành hỗ trợ. Nhờ vậy, công ty vừa tiếp cận được nguồn vốn xanh đầu vào, đồng thời có thể mang sản phẩm tiếp cận nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.
Không dừng ở văn bản hay khẩu hiệu, phát triển bền vững đã gắn kết với từng hoạt động của các thành viên PAN Group. Tập đoàn này mua lại Thực phẩm Sao Ta - doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tôm vào cuối năm 2017. Năm 2018, PAN hỗ trợ vốn để Sao Ta mở rộng vùng nuôi gần gấp đôi lên 300 ha, giúp công ty tự chủ được nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng đầu vào phục vụ xuất khẩu sang 3 thị trường trọng điểm là EU, Nhật Bản và Mỹ. Hiện vùng nuôi của Sao Ta đã lên đến trên 500 ha, toàn bộ đều đạt tiêu chuẩn ASC - điều kiện bắt buộc để con tôm được nhập khẩu vào châu Âu và hưởng lợi từ EVFTA. Trong khi đó, tỷ lệ đạt chuẩn này ở các doanh nghiệp Việt Nam nói chung chỉ đạt 5%.
Ví dụ điển hình khác là nhiều năm trước, PAN gia nhập ngành điều thông qua đầu tư vào Lafooco, một trong những công ty lớn nhất ngành. Doanh thu cao nhưng khi ấy, Lafooco chủ yếu kinh doanh điều thô và bán thành phẩm với công nghệ lạc hậu. Công nghệ chao dầu phổ biến lúc đó không những ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, rủi ro cho người lao động mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải ra.
PAN thay đổi điều đó bằng cách hỗ trợ Lafooco đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thiết bị…, trong đó có việc thay thế công nghệ hấp để giải quyết triệt để vấn đề, nước thải độc hại hầu như không phát sinh. Cùng với việc đạt được những chứng nhận như HACCP, BRC, SEDEX… Lafooco cũng gây dựng thành công hơn 500 ha vùng trồng điều tại Bù Đăng, Bình Phước được cấp chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU.
PAN Group cũng coi trọng văn hóa sáng tạo và luôn theo đuổi sự xuất sắc; khuyến khích tinh thần học tập không ngừng, sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến và tìm kiếm giải pháp mới để cải thiện hiệu suất, giảm thiểu lãng phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty có chính sách cụ thể để khuyến khích đổi mới sáng tạo ở cả cấp tập đoàn và từng đơn vị. Hàng năm, doanh nghiệp còn tổ chức giải thưởng đổi mới sáng tạo để vinh danh những ý tưởng và những công trình mang lại giá trị cho không chỉ công ty mà cả cộng đồng, cho đất nước.
PAN Group đang dần hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp.
![]() |
Văn hóa đoàn kết, chia sẻ và biết ơn cũng là điều mà PAN Group theo đuổi. Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn là một hệ sinh thái gồm nhiều công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm. Mỗi công ty lại có lịch sử, cấu trúc và văn hoá đặc thù riêng, có những công ty còn rất trẻ, chỉ 5 - 6 năm tuổi nhưng cũng có những công ty lâu đời đã trải qua 50 thậm chí gần 60 năm hình thành và phát triển. Vì vậy, việc coi trọng văn hoá riêng của mỗi công ty thành viên là tất yếu, nhưng khuyến khích tất cả cùng trao đổi, chia sẻ để hiểu nhau hơn, phối hợp với nhau tốt hơn cũng là yêu cầu quan trọng để cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung.
“Chúng tôi chào đón những quan điểm khác biệt, hợp tác và tạo ra giá trị cộng hưởng trong hệ sinh thái. Tập đoàn có rất nhiều cây đại thụ của ngành - những người đã gắn bó cả đời với con tôm, cây lúa… Đồng thời cũng có lực lượng kế cận - một thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Chúng tôi gọi là văn hóa biết ơn, văn hóa chia sẻ,” CEO PAN Group cho biết.
Ngoài công tác phát triển văn hóa mạnh mẽ được gìn giữ tại từng công ty, tập đoàn chú trọng việc củng cố sức mạnh hệ thống thông qua các sự kiện chung tổ chức định kỳ và các chính sách, quy chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường...
Cụ thể, PAN có những hoạt động chung định kỳ từ cấp cao nhất như CEO Summit, hay mở rộng hơn như PAN Gala, ngoài ra còn có tạp chí nội bộ do các công ty cùng nhau xây dựng nội dung, các chương trình đào tạo, thiện nguyện chung… theo thời gian như một chất kết dính hệ thống toàn tập đoàn. Nhờ vậy, các thành viên trong tập đoàn gia tăng tính đoàn kết vì mục tiêu chung và thuận lợi hơn trong việc cùng nhau tạo ra những giá trị mới.
![]() |
Thực tế, việc vận hành hệ sinh thái nông nghiệp được PAN Group thực hiện khá tốt thời gian qua, thể hiện rõ nhất ở kết quả kinh doanh hợp nhất của tập đoàn và các đơn vị thành viên đều có sự phát triển tích cực. Trong 3 năm gần đây (2022, 2023, 2024), PAN đều ghi nhận mức kỷ lục về lợi nhuận. Riêng năm 2024, doanh nghiệp mang về doanh thu 16.184 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 41%. Đây cũng là năm đầu tiên, PAN cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ đồng.