Trong báo cáo cũng đánh giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 13 – 15% trong năm 2023, trước áp lực từ các yếu tố vĩ mô lạm phát, tỷ giá và bất ổn chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn.
VCBS cho rằng, các ngân hàng có phương án nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được ưu tiên hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành.
Ngược lại, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro cao như đầu cơ bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… sẽ bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.
Triển vọng 2023: Lợi nhuận kém tích cực
Trước các đánh giá tổng quan của VCBS, chuyên gia tại đây cũng dự báo, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, tuy nhiên có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.
Về rủi ro nợ xấu, các ngân hàng có thể ghi nhận các khoản nợ xấu tăng nhanh trong 2023, áp lực trích lập dự phòng cao dần, rủi ro ở thời điểm hiện tại là nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao, cùng với đó là các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp.
Mặc dù vậy, báo cáo đã chỉ ra một số ngân hàng vẫn có sự tăng trưởng như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã: LPB). Theo VCBS, đây là ngân hàng quy mô trung bình có tốc độ tăng trưởng nhanh về tín dụng. Trọng tâm của ngân hàng này là cho vay phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp cổ phần.
Trong thời gian qua, LienVietPostBank đã tăng cường bộ đệm trích lập dự phòng và chủ động giảm cho vay các lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản (tỷ trọng cho vay bất động sản giảm từ 41% năm 2016 xuống chỉ còn chiếm 11% dư nợ).
Ngoài ra, nhờ việc ký kết thành công hợp đồng hợp tác độc quyền bảo hiểm trong 15 năm với Dai-ichi Life với mức phí trả trước (Upfront fee) theo VCBS đánh giá có thể lên đến 3.000 tỷ đồng và doanh thu từ hoa hồng bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 30 – 40% mỗi năm trong các năm tới.
Hiện tại LienVietPostBank đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 20.091 tỷ đồng thông qua việc chào bán 300 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 16,4% cho cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, LPB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm phù hợp.
Do đó, VCBS kỳ vọng, lợi nhuận trước thuế tại nhà băng này có thể đạt 7.176 tỷ đồng, tăng 19% trong năm 2023 cùng với khoản tiền 1.000 tỷ đồng thu lại từ phí Upfront fee. Tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2023 dự kiến đạt 12% và tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu lần lượt đạt 1,4% và 176% trong năm nay.
Doanh thu từ hoa hồng bảo hiểm tại LienVietPostBank được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong các năm tới (Ảnh minh hoạ) |
Về Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã: MBB), theo VCBS, đây là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn với mô hình kinh doanh năng động, bao gồm nhiều công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ngoài ra, MBB có những lợi thế đặc biệt nhờ nằm trong khối Quân đội.
Nhờ được cấp hạn mức tín dụng bổ sung, VCBS ước tính, MBBank có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 25% trong 2022 và tiếp tục được ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với bình quân ngành khoảng 1,5-2 lần trong các năm tới nhờ việc nhận chuyển giao bắt buộc.
Điều này cũng giúp ngân hàng có thể chọn lựa khách hàng tốt với lợi suất cao hơn, hướng tới chuyển dịch cơ cấu danh mục tăng tỷ trọng bán lẻ lên 50- 55% dư nợ (hiện chiếm 43-45%).
Trong năm 2022, CASA từ khách hàng cá nhân tại MBBank chiếm 38%, tiếp tục là động lực duy trì CASA ở mức cao cùng với chất lượng tài sản tốt nên chi phí trích lập trong các năm tới dự báo giảm dần cùng với tỷ lệ NPL thấp hơn 1%.
VCBS kỳ vọng, lợi nhuận trước thuế tại MBBank có thể đạt 29.392 tỷ đồng, tăng 22,8% trong năm 2023. Tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2023 dự kiến đạt 24% và tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu lần lượt đạt 1% và 335% trong năm nay.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB), chuyên gia đánh giá, VPBank có mô hình hoạt động hiệu quả và năng động, với chất lượng tài sản ổn định, vốn chủ sở hữu tăng trưởng mạnh trong 2 năm gần đây, hiện tại cao thứ 4 trong ngành ngân hàng.
Chuyên gia VCBS cho rằng, việc nhận chuyển giao 1 ngân hàng yếu kém sẽ mở ra cơ hội được cấp “room” tín dụng cao trong các năm tới cho VPB, tạo động lực để ngân hàng này đạt được các mục tiêu lợi nhuận.
Đối với năm 2023, báo cáo kỳ vọng, lợi nhuận trước thuế tại VPBank có thể đạt 29.574 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng 25% cho năm 2023.
Tuy nhiên rủi ro nợ xấu và thu hồi nợ xấu cho VPBank ngân hàng mẹ cũng như FE Credit sẽ kéo theo tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ xấu lần lượt đạt 5% và 60%.