Vì sao SSI đánh giá khả quan với cổ phiếu HSG

HSG Hoa Sen
21:01 - 12/11/2023
Sản lượng xuất khẩu của HSG đã phục hồi đáng kể trong quý vừa qua.
Sản lượng xuất khẩu của HSG đã phục hồi đáng kể trong quý vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Lợi nhuận của HSG bật tăng đáng kể trong quý vừa qua được đánh giá là nhờ giá thép hồi phục và nhu cầu xuất khẩu tăng từ thị trường Bắc Mỹ trở thành động lực thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp mới đây, SSI cho biết lợi nhuận ròng của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán) đạt 438 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm tài chính 2022-2023 (kết thúc vào tháng 9), cao hơn ước tính của SSI là 340,5 tỷ đồng; nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, biên lợi nhuận gộp cải thiện và tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng.

Lũy kế năm tài chính 2022-2023, HSG ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 28 tỷ đồng (giảm 89% so với cùng kỳ) do khoản lỗ 680 tỷ đồng trong quý đầu tiên.

Dẫn số liệu từ Hiệp hội Thép thế giới, SSI cho biết nhu cầu toàn cầu dự kiến tăng 1,9% trong năm 2024, tương đương với mức tăng trong năm 2023. Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm (Mỹ, EU và ASEAN) của thép Việt Nam dự kiến sẽ tăng lần lượt 5,2%, 5,8% và 1,6% so với cùng kỳ; cải thiện từ mức -1,1%, -5,1% và 3,8% trong năm 2023.

Trong ngắn hạn, công ty chứng khoán nhận định nhu cầu xuất khẩu thép sẽ được hỗ trợ bởi thị trường Mỹ, bởi mức tăng giá bình quân tại thị trường Bắc Mỹ đạt 30% từ giữa tháng 9. Chênh lệch giá HRC bình quân tại Bắc Mỹ và Việt Nam đã tăng hơn 2 lần trong hai tháng qua, lên khoảng 400 USD/tấn trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và thời gian giao hàng kéo dài. Mặc dù đà tăng giá mạnh có thể không bền vững nhưng sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu thép của Việt Nam trong các tháng tới.

Thị trường Bắc Mỹ chiếm khoảng 25% sản lượng xuất khẩu của HSG.

Sản lượng tiêu thụ của HSG theo quý.
Sản lượng tiêu thụ của HSG theo quý.

Với thị trường nội địa, SSI kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của HSG trong năm tài chính 2023-2024 sẽ tăng 11% so với cùng kỳ, lên khoảng 853.000 tấn; sau khi giảm 16% trong năm 2023 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017. Cùng với sản lượng xuất khẩu tăng 10%, tổng sản lượng tiêu thụ của công ty trong năm tài chính này dự kiến phục hồi 10,5% so với cùng kỳ, đạt 1,54 triệu tấn, tương đương công suất hoạt động đạt khoảng 65%.

SSI cũng kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp của HSG sẽ cải thiện lên mức mức 11,6% trong năm tài chính 2023-2024, từ mức 9,7% trong năm 2022-2023. Doanh thu và lợi nhuận ròng ước tính sẽ tăng lần lượt 3,2% và 2.632%, lên 32.680 tỷ đồng và 775 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, nợ vay ròng tính đến cuối tháng 9/2023 của HSG giảm 40% về mức 2.340 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu đạt 22%, so với mức 35% vào cuối năm tài chính 2021-2022. Điều này là nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đạt 1.660 tỷ đồng (giảm 42% so với cùng kỳ), so với số vốn đầu tư nhỏ 182 tỷ đồng (giảm 61%). Đòn bẩy thấp và dòng tiền ổn định cũng giúp công ty huy động được lãi suất thấp, do đó chi phí lãi vay giảm 49% xuống còn 36 tỷ đồng trong quý 4 vừa qua.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (CFO) và nợ vay ròng (Net debt) của HSG. Đơn vị: Tỷ đồng.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (CFO) và nợ vay ròng (Net debt) của HSG.
Đơn vị: Tỷ đồng.

Từ dự báo trên, SSI đánh giá khả quan với cổ phiếu HSG, dựa vào P/E mục tiêu 13x và mức EV/EBITDA đạt 7x. Trong ngắn hạn, lợi nhuận quý 1 niên độ tài chính 2023-2024 có thể thấp hơn quý trước do khoản hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho giảm và lãi tỷ giá, nhưng vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh so với mức nền thấp từ năm trước.

“Giá thép hồi phục gần đây và nhu cầu xuất khẩu tăng từ thị trường Bắc Mỹ là động lực thúc đẩy giá cổ phiếu trong tương lai gần”, SSI nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.