Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Quách Sơn. |
Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin giúp các doanh nghiệp thuộc Hội VASEAN nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư mới và xu hướng quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ sau khi mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ được thiết lập
PGS. TS Bùi Tất Thắng, Chủ tịch Hội VASEAN nhận định, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện mở ra những cơ hội mới về kinh tế, thương mại cho cả hai nước.
Chủ tịch Hội VASEAN, PGS. TS Bùi Tất Thắng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Quách Sơn. |
Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ.
Mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng sau sự kiện nâng tầm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện. Đây cũng là dư địa lớn để Việt Nam đón làn sóng đầu tư FDI từ Hoa Kỳ thời gian tới, PSG. TS Bùi Tất Thắng nói.
Trước cơ hội đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt được các xu hướng của doanh nghiệp Hoa Kỳ, các hiệp định, thỏa thuận mới được ký kết, các chủ trương chính sách của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, thương mại và đầu tư để thực hiện mục tiêu phát triển, vươn xa trong thời gian tới.
Trình bày tham luận, phần về cơ hội FDI cho Việt Nam, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhận định, Việt Nam là nền kinh tế đang đi lên mạnh mẽ trong khối ASEAN, là một nền kinh tế gắn bó và có vị thế quan trọng trong ASEAN, đó là một trong những lý do Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ.
"Khi doanh nghiệp Hoa Kỳ nhìn về thị trường Việt Nam, họ sẽ không chỉ nhìn đơn lẻ, mà nhìn thị trường Việt Nam như một phần quan trọng của thị trường ASEAN. Họ cũng sẽ nhìn về tầm quan trọng của ASEAN, một khu vực kinh tế hết sức năng động trong khu vực châu Á Thái Bình Dương," ông Thành nói.
“Sự quan tâm, hứng thú của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đối với Việt Nam không phải do họ chỉ nhìn Việt Nam như là một thị trường riêng lẻ. Việt Nam nhận được sự quan tâm mạnh mẽ như vậy của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, một lý do là chúng ta nằm ở cộng đồng ASEAN, một khu vực kinh tế hết sức năng động trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.”
Gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá từ ASEAN sang Hoa Kỳ là đến từ Việt Nam (khoảng 128 tỷ USD), mặc dù con số này chủ yếu là của các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng rất ít, nhưng cũng cho thấy độ mở trong các cơ hội hợp tác trong tương lai giữa hai bên, ông Thành nói.
Năm 2022, Hoa Kỳ nhập khẩu từ ASEAN tổng giá trị 336,3 tỷ USD, trong đó riêng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tới 127,5 tỷ USD. Lũy kế FDI từ Hoa Kỳ vào ASEAN tính đến hết năm 2022 là 359,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ, ông Thành cho biết.
Ông Thành nhận định, một khi làn sóng đầu tư từ các đối tác Hoa Kỳ gia tăng vào Việt Nam thì giá trị hàng hóa, dịch vụ mà Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam còn có cơ hội gia tăng trong thời gian tới.
Với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, ông Vũ Tú Thành cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội khi Hoa Kỳ có thể sớm công nhận quy chế thị trường của Việt Nam, đưa nước ta ra khỏi danh sách phi thị trường.
"Điều này nếu sớm diễn ra sẽ gián tiếp tạo ra hiệu ứng rất quan trọng với các doanh nghiệp như thuỷ sản, đồ gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ không bị áp thuế chống bán phá giá," ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, còn nhiều cơ hội khác đang mở ra về phát triển thương mại - đầu tư khi Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, trong đó chú trọng vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Vì mục đích đó, Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) sẽ tiếp tục cung cấp tài chính cho các dự án thuộc khu vực tư nhân tại Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khí hậu và sử dụng năng lượng hiệu quả, y tế và doanh nghiệp nhỏ, bao gồm các doanh nghiệp chú trọng yếu tố khí hậu và do phụ nữ làm chủ”, ông Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn công bố các kế hoạch cụ thể hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp đạt được các mục tiêu phát triển trong thời gian tới.
Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ “gieo mầm” ban đầu, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai cho lĩnh vực đầy tiềm năng phát triển này.
Chia sẻ về những kỳ vọng của nhà đầu tư Hoa Kỳ, ông Thành khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi hiện thực hóa các cơ hội hợp tác làm ăn với phía doanh nghiệp Hoa Kỳ nên lưu ý những yêu cầu mà đối tác quan tâm như về tiếp cận điện (sạch), nguồn nước, thủ tục hành chính, vấn đề thuế, hải quan, lao động…
Theo các chuyên gia tại hội thảo, để quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng, yếu tố quan trọng nằm ở sự sẵn sàng của các doanh nghiệp hai bên, sự thích ứng nhanh chóng của doanh nghiệp Việt với những yêu cầu thị trường, xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối, các quy định thị trường, khẩu vị đầu tư của đối tác và xu hướng của thị trường.