Phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ
HĐQT VIB cho biết hiện ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, cần vốn để đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, VIB cần phát triển ổn định đội ngũ nhân sự chất lượng.
Vì thế ngân hàng này dự kiến phát hành 421,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 20% qua đó tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.215 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng dự kiến phát hành tối đa 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,36%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tối đa 76 tỷ đồng.
Số cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Nguồn tăng vốn từ vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận, có số dư tại 31/12/2022 đã được kiểm toán và phân bổ, có thể được sử dụng cho mục đích tăng vốn điều lệ.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ gần 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng.
Với số vốn điều lệ tăng thêm, VIB dự kiến dùng 4.091 tỷ đồng để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản, 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và 100 tỷ đồng đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.
Sau khi tăng vốn, Commenwealth Bank of Australia (CBA) vẫn là cổ đông lớn của VIB, tỷ lệ sở hữu giảm từ 19,9% xuống còn 19,84%.
Chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%
Ngoài ra, VIB cũng sẽ trình cổ đông phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận năm 2022 và kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.
Trước đó, HĐQT đã có nghị quyết phê duyệt thực hiện phương án tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu với số tiền tạm ứng gần 2,108 tỷ đồng, tương ứng 10% vốn điều lệ. Ngày thực hiện chi trả là 03/03/2023.
Như vậy, với 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức bằng tiền mặt, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2022 VIB dự chia là 35%.
Tiếp tục giai đoạn 2 của lộ trình chuyển đổi
Tại đại hội, VIB đã đặt ra lộ trình chuyển đổi 10 năm 2017-2026 với giai đoạn 6 năm đầu của lộ trình, VIB đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận trước thuế là 57%.
Mục tiêu của giai đoạn 5 năm 2022-2026 của VIB bao gồm: 10 triệu khách hàng; tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kép (CAGR) đạt 20-30%/năm và gia tăng bền vững vốn hóa thị trường.
Trên cơ sở định hướng chiến lược giai đoạn 2022-2026 và nhận định về môi trường kinh doanh năm 2022, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với lợi nhuận trước thuế 12.200 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 15,3% so với kết quả đạt được trong năm ngoái.
Tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 25% lên 292.500 tỷ đồng và con số này có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Mục tiêu huy động vốn tăng 26,2% lên 292.600 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2023-2027
Nhiệm kỳ IX (2023-2027) của HĐQT VIB có cơ cấu dự kiến gồm tổng số 5 thành viên, trong đó 4 thành viên thông thường, 1 thành viên độc lập, 4 thành viên không phải là người điều hành.
Như vậy, dự kiến sau khi bầu cử, cơ cấu thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) mới sẽ có 4 thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ, đảm bảo sự kế thừa trong công tác quản trị của VIB, đồng thời HĐQT VIB không có thành viên là người có liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật CTCTD.
Trong danh sách đề cử, 4 thành viên HĐQT của nhiệm kỳ cũ là ông Đỗ Xuân Hoàng (thành viên HĐQT), ông Đặng Văn Sơn (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Hàn Ngọc Vũ (thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) và ông Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch HĐQT) và bà Nguyễn Thị Bích Hạnh là ứng cử viên thứ 5.
Ban kiểm soát (BKS) VIB nhiệm kỳ mới có cơ cấu dự kiến gồm 3 thành viên, trong đó 3 thành viên là thành viên chuyên trách. Danh sách ứng viên đề cử gồm bà Nguyễn Thùy Linh, ông Đào Quang Ngọc và bà Nguyễn Lương Thị Bích Thủy.
Trong năm 2023, HĐQT trình ĐHĐCĐ ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2023 tối đa 0,25% lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VIB.