Việt Nam và Singapore đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN

Việt Nam và Singapore đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN

Việt nAM SINGAPORE
20:59 - 23/01/2023
Khẳng định tiềm năng của Việt Nam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong quá trình xây dựng một khối ASEAN thịnh vượng, hòa bình và thống nhất hơn.

Năm 2023, Việt Nam và Singapore sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, Ngài Jaya Ratnam - Đại sứ Singapore tại Việt Nam đã có những chia sẻ với Mekong ASEAN về những thành tựu trong quan hệ giữa hai nước và mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương.

Mekong ASEAN: 2022 là năm có vai trò quan trọng đối với các quốc gia trong việc phục hồi kinh tế sau Covid-19. Đại sứ đánh giá thế nào về quá trình phục hồi của Việt Nam?

Giống như phần lớn quốc gia trên thế giới, 2022 là năm phục hồi và tăng trưởng cho Việt Nam và Singapore. Tôi rất vui mừng là hai nước chúng ta đã mở lại biên giới ngay khi đại dịch Covid-19 được đưa vào kiểm soát vào giữa tháng 3/2022. Điều này phản ánh định hướng cởi mở của Việt Nam và Singapore.

Việt Nam đang phục hồi một cách ấn tượng từ Covid-19 và trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á trong năm 2022. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,83% trong chín tháng đầu năm và đang đi đúng hướng để đạt được hoặc thậm chí vượt qua mục tiêu cả năm đã đề ra.

Ấn tượng không kém, Việt Nam đã cố gắng bắt kịp sự tăng trưởng bị mất của hai năm qua vì đại dịch trong khi vẫn giữ các số liệu lạm phát tương đối khiêm tốn. Đây là minh chứng cho sự lãnh đạo mạnh mẽ và tự tin của Việt Nam, cũng như động lực và sự kiên cường của người dân Việt Nam.

Mekong ASEAN: Trước bối cảnh hiện tại, Đại sứ nhận định đâu là những thách thức mà Việt Nam, Singapore nói riêng và các nước ASEAN nói chung phải đối mặt trong năm 2023?

Nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ vẫn ở mức nhẹ vào năm 2023, vì các ngân hàng trung ương lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt của họ. Bên cạnh đó, môi trường bên ngoài vẫn biến động, chuỗi cung ứng và hệ thống giao dịch tự do sẽ tiếp tục chịu áp lực, đặc biệt trong bối cảnh tăng cường cạnh tranh giữa các quốc gia về các mặt hàng quan trọng.

Giữa sự bất ổn này, điều quan trọng đối với ASEAN là duy trì mở cửa với thế giới và tiếp tục tận dụng vị trí của chúng ta tại ngã tư của dòng chảy thương mại toàn cầu.

Với tổng dân số gần 700 triệu người, ASEAN đại diện cho một trong những thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất thế giới. Đây hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và đang trên đường xếp hạng thứ 4 vào năm 2050, trong đó nổi bật bởi quá trình đô thị hóa, số hóa và xu hướng nhân khẩu học thuận lợi.

Mekong ASEAN: Trong nền tảng đó, theo Đại sứ, Việt Nam và Singapore cùng cộng đồng các quốc gia ASEAN cần phải làm gì để xây dựng khối kinh tế lớn mạnh trong tổng quan hợp tác, cạnh tranh với các khu vực khác?

Tôi tin rằng sự thịnh vượng và phát triển trong tương lai của khu vực sẽ xoay quanh khả năng xây dựng các cầu nối cả trong ASEAN và giữa ASEAN và các khu vực khác. Singapore và Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.

Là hai quốc gia ASEAN duy nhất đã phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Singapore và Việt Nam hy vọng rằng các thỏa thuận của chúng ta sẽ dẫn đường cho một EU-ASEAN FTA thống nhất.

Bên cạnh đó, hai nước đều đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hy vọng rằng các quốc gia thành viên ASEAN khác sẽ cùng tham gia ký kết thỏa thuận. Cùng với các quốc gia khác trong khối, Việt Nam và Singapore là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các hiệp định thương mại như thế này cung cấp một khuôn khổ để hình thành một thị trường khu vực liền mạch.

Ngoài thương mại, Singapore và Việt Nam còn có tiềm năng thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN sâu rộng hơn ở các lĩnh vực khác. Chúng bao gồm tăng cường kết nối trong ASEAN, thông qua phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và làm cho các giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới trở nên liền mạch hơn, đồng thời xây dựng các kết nối năng lượng để kết nối khu vực.

Mekong ASEAN: Việt Nam và Singapore trở thành đối tác chiến lược từ năm 2013 và hiện Singapore tiếp tục dẫn đầu tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo Đại sứ, những lĩnh vực nào của Việt Nam còn nhiều tiềm năng để thu hút dòng vốn FDI?

Mối quan hệ tốt đẹp về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Singapore được vun đắp trong nhiều thập kỷ bởi sự nỗ lực đồng lòng của Chính phủ và nhân dân hai nước.

Đáng chú ý, Singapore là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu vào Việt Nam trong hai năm qua. Điều này cho thấy cả sự tự tin của các nhà đầu tư Singapore trong khai thác tiềm năng kinh tế của Việt Nam, cũng như sự hiệu quả của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bất chấp sự gián đoạn do đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu, các công ty Singapore vẫn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới để đa dạng hóa và mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Trong đó, theo tôi có ba lĩnh vực nổi bật như sau:

Đầu tiên là nền kinh tế xanh. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Halimah Yacob vào tháng 10/2022, Việt Nam và Singapore đã ký hai bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng và tín chỉ carbon. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là trong năng lượng tái tạo.

Bản ghi nhớ được ký kết hồi tháng 11/2022 giữa Sembcorp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là một trong những quan hệ đối tác đầy hứa hẹn trong lĩnh vực này. Sembcorp cũng đang làm việc tích cực để tích hợp tính bền vững và đổi mới vào mạng lưới Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIPS). Vào tháng 3/2022, lễ khai trương VSIP thứ 11 được tổ chức tại tỉnh Bình Dương. Đây sẽ là nhà của nhiều doanh nghiệp và đặc biệt là nhà máy trung hòa carbon do Lego Group sở hữu và điều hành.

Thứ hai là chuỗi cung ứng và vận chuyển. Các cú sốc chuỗi cung ứng toàn cầu gần đây đã cho mọi người thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này. Các doanh nghiệp Singapore mong muốn đóng góp nhiều chuyên môn hơn nữa, đào tạo nguồn nhân lực và giải pháp kỹ thuật số để phát triển lĩnh vực logistics tại Việt Nam.

Minh chứng rõ nét là Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được thành lập bởi Tập đoàn YCH của Singapore và Tập đoàn T&T của Việt Nam. Đây là dự án đầu tiên thuộc Mạng lưới hậu cần thông minh ASEAN và sẽ tăng cường đáng kể khả năng kết nối thương mại và phục hồi chuỗi cung ứng trong khu vực.

Thứ ba là nền kinh tế kỹ thuật số. Phát triển kinh tế kỹ thuật số sẽ là ưu tiên quan trọng cho cả hai nước chúng ta trong những thập kỷ tới. Việt Nam đã xác định nền kinh tế kỹ thuật số là một trong những động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Lớp trung lưu phát triển nhanh và dân số trẻ của Việt Nam là các yếu tố khiến ngành này trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty Singapore, trong đó có thể kể đến thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và thành phố thông minh.

Singapore và Việt Nam cũng nhấn mạnh vào việc thúc đẩy môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn. Sự cộng hưởng này đã mang lại những kết quả tốt đẹp như VSIP cũng như các thỏa thuận đầu tư đi kèm với hầu hết các FTA của ASEAN.

Mekong ASEAN: Như ngài đề cập, Việt Nam và Singapore đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon. Ngài đánh giá như thế nào về tiềm năng của lĩnh vực này tại Việt Nam? Chính phủ, các doanh nghiệp hai nước cần phối hợp ra sao để khai thác tối đa tiềm năng đó?

Singapore và Việt Nam có sự hợp tác mạnh mẽ ở mảng năng lượng trong bối cảnh cả hai Chính phủ đang đẩy mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu mới đây của Việt Nam đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng với việc phát thải ròng khí carbon bằng không vào năm 2050 và mục tiêu giảm phát thải thấp hơn 43,5% dưới mức phát thải kinh doanh vào năm 2030.

Singapore cũng đã cam kết tiếp cận phát thải bằng không vào khoảng năm 2050. Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này và thúc đẩy hành động khí hậu toàn cầu, sự hợp tác giữa các quốc gia là rất quan trọng. Việt Nam có tiềm năng to lớn để tăng nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Singapore mong muốn tham gia vào quá trình thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam trong quan hệ đối tác với các doanh nghiệp để đạt kết quả đôi bên cùng có lợi.

Đặc biệt, việc hợp tác phát triển các nguồn năng lượng sạch, xây dựng các kết nối lưới điện để hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán điện xuyên biên giới, hợp tác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và thị trường điện, đồng thời phát triển các giải pháp carbon thấp như hydro sẽ là các lĩnh vực quan trọng để đạt được tăng trưởng bền vững cho các quốc gia của chúng ta.

Mekong ASEAN: Năm 2023, Việt Nam và Singapore sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Phía Đại sứ quán Singapore sẽ có kế hoạch gì cho sự kiện này để hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước?

Có rất nhiều điều đáng mong đợi ở dịp kỷ niệm này. Tháng 10/2022 vừa qua, Tổng thống Singapore Halimah Yacob đã đến thăm Việt Nam với tư cách là người mở màn cho lễ kỷ niệm 50/10. Thủ tướng Lý Hiển Long và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã mời nhau thăm chính thức vào năm 2023.

Với bản chất hướng tới tương lai của mối quan hệ song phương, tôi tin chắc rằng chuyến thăm trao đổi này của hai Thủ tướng sẽ định hướng cho hai nước chúng ta tiến bộ hơn nữa trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, nền kinh tế kỹ thuật số và đào tạo nguồn nhân lực trong 50 năm tới và hơn thế nữa.

Ngoài các chuyến thăm, chúng tôi hy vọng sẽ tổ chức các hoạt động để thể hiện sự hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Singapore. Trong đó bao gồm các sự kiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các liên kết kinh doanh mạnh mẽ hơn giữa hai nước. Các tổ chức và cá nhân đặc biệt đã góp phần xây dựng mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa nhân dân hai nước cũng sẽ được vinh danh. Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi người cho các hoạt động trong năm quan trọng này.

Mekong ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn Ngài!

Đọc tiếp