Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích làm rõ hơn về những cơ hội hợp tác đầy triển vọng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước - Ảnh: VGP |
Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản đầu tiên sau gần 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, diễn ra vào sáng 25/11 với chủ đề “Việt Nam-Nhật Bản nâng tầm quan hệ, hợp tác cùng phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao đổi 44 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng và các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Nhật Bản đã chứng kiến lễ trao đổi 44 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước - Ảnh: VGP |
Trong đó, thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy điện Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trị giá 1,75 tỷ USD; dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại tỉnh Vĩnh Phúc trị giá 500 triệu USD giữa Sojitz và Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam Vilico thuộc Vinamilk; thỏa thuận hợp tác phát triển trị giá 250 triệu USD do Sojitz hợp tác với Công ty Bamboo Capital, Công ty Công nghiệp Hồng Đức.
Bên cạnh đó còn có thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy điện Lạng Sơn trị giá 1,75 tỷ USD, dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc trị giá 500 triệu USD và thỏa thuận hợp tác phát triển khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) trị giá 250 triệu USD.
Phát biểu trước hàng nghìn đại biểu, lãnh đạo doanh nghiệp tham dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư mà Nhật Bản có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và cơ hội, tiềm năng lớn như các lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng chiến lược, phát triển nông nghiệp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu…".
Cũng tại hội nghị, các đại biểu Nhật Bản khẳng định nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam mà niềm tin của các nhà đầu tư tăng lên rõ rệt. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn Thủ tướng cùng các vị bộ trưởng của Việt Nam đã nỗ lực giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vừa qua do dịch bệnh Covid-19, nhất là trong duy trì chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Koichi Hagiuda cho biết, Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước đi vào chiều sâu, theo hướng phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi số…
Đặc biệt, Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức hỗ trợ Việt Nam quá trình thực hiện Sáng kiến chuyển dịch năng lượng châu Á do Nhật Bản đề xuất với trị giá 10 tỷ USD.
Dành ưu tiên cho Việt Nam
Ngay trước thềm hội nghị xúc tiến, Thủ tướng đã tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda. Tại buổi tiếp, ngoài vấn đề hợp tác chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, Bộ trưởng cũng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp hiệu quả trong việc triển khai Hiệp định CPTPP giữ được tiêu chuẩn cao và thúc đẩy khả năng sản xuất của Việt Nam.
Bộ trưởng Nhật Bản bày tỏ kỳ vọng rất lớn vào sự phát triển của Việt Nam và hoạt động hợp tác giữa hai nước, bao gồm hợp tác chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhần lực gắn với đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Ông đề nghị Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Bộ Công Thương Việt Nam điều chỉnh các hoạt động hợp tác theo định hướng phù hợp với xu thế mới và theo tinh thần Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản.
Thủ tướng còn đề nghị trong quá trình thực hiện Sáng kiến chuyển dịch năng lượng châu Á, Nhật Bản sẽ dành ưu tiên cho Việt Nam và Việt Nam sẽ sử dụng nguồn lực này bảo đảm hiệu quả cao nhất.