VN-Index tiếp tục đi lên trong nghi ngờ, nhiều mã phân bón đổ tím

DPM VN INDEX
16:07 - 25/08/2022
Nhóm phân bón hút dòng tiền. MBS
Nhóm phân bón hút dòng tiền. MBS
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi nhiều nhà đầu tư lo ngại về một đợt rung lắc khi thị trường đã lần lượt vượt qua các ngưỡng cản quan trọng thì VN-Index vẫn tiếp tục đi lên. Dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm ngành và hôm nay chảy về các cổ phiếu phân bón.

VN-Index kết phiên 25/8 ở mốc 1.288,88 điểm, tương ứng tăng gần 12 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index tăng 0,56 điểm còn UPCoM tăng 0,29 điểm. Thanh khoản đã cải thiện hơn với tổng giá trị giao dịch hơn 16.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch hơn 1.200 tỷ đồng, họ mua ròng hơn 90 tỷ đồng. Hai mã được khối ngoại mua vào mạnh nhất là MSN và VNM. Tiếp sau là CTG, SHB, PVD, PVT, HDG… Ngược lại, PHR và NVL là 2 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, theo sau là VGC, BVH, VCB, TLG, KBC…

VN30 tăng vượt trội hơn với mức +15 điểm, nhờ sự đồng thuận của bộ ba nhà Vingroup cùng sự đột phá của GVR +5,4%, MWG +2,4%. Ngoài GAS và VJC giảm nhẹ thì các mã bluechip còn lại đều tăng giá.

Hầu hết các nhóm ngành đều kết phiên trong sắc xanh nhưng dòng tiền luân chuyển nên các nhóm dẫn sóng những phiên trước như bất động sản, chứng khoán, thuỷ sản đã giảm nhiệt.

Nhóm bất động sản với sự dẫn dắt của VIC, VHM, VRE vẫn tăng được 1,38% giá trị vốn hoá. Nhiều mã lớn khác cũng ở chiều tăng như NVL, BCM, PDR, KDH, SSH, KBC… nhưng mức chênh lệch không lớn. Chiều giảm có DXG, SJG, CII, HDC… Đáng chú ý là FLC tiếp tục nằm sàn, lùi về mức giá 4.490 đồng.

Nhóm chứng khoán chỉ còn giữ được mức tăng toàn nhóm đạt 0,61%. Các mã vẫn tăng tốt là TVB, TVC, BMS, FTS, TCI. Còn lại điều chỉnh tăng giảm nhẹ, riêng DSC giảm hết biên độ với tỷ lệ -15%. Thời gian qua, đây chính là một trong những mã tăng nóng nhất sàn, liên tục tím trần khiến giá trị nâng lên 80% (từ phiên 10/8-24/8). Đà tăng của DSC khá khó hiểu bởi doanh nghiệp không có thông tin gì đáng chú ý.

VN-Index tiến sát mốc 1.290 điểm.

VN-Index tiến sát mốc 1.290 điểm.

Dòng tiền hôm nay hướng đến nhóm phân bón giúp hàng loạt mã tăng hết biên độ như DCM, DPM, BFC, SFG. DGC cũng tăng 3,7%.

Trong giai đoạn thị trường hồi phục vừa qua, hoá chất chính là nhóm bị bỏ lại phía sau khi lợi nhuận các doanh nghiệp được cho là đã tạo đỉnh trong quý 2 vừa qua, đồng thời giá phân bón trên thế giới liên tục giảm. Các cổ phiếu phân bón cũng chiết khấu giảm sâu 20-30% từ đỉnh hồi tháng 3. Khi thị trường hưng phấn như hiện tại và dòng tiền luân chuyển để nâng đỡ chỉ số thì việc các nhóm ngành không còn nhiều kỳ vọng phục hồi cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga và Trung Quốc đẩy giá mặt hàng này lên cao, chủ yếu đến từ các sản phẩm ure, DAP, kali. Bên cạnh đó, giá khí tăng mạnh ở châu Âu cũng góp phần đẩy chi phí khí sản xuất phân bón ở một số khu vực, dẫn đến một số nhà máy đóng cửa và làm thiếu hụt nguồn cung.

Với việc giá tăng cao, nhu cầu trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam suy giảm, các doanh nghiệp phân bón trong nước chủ yếu được hưởng lợi từ thị trường xuất khẩu do nguồn cung từ các nước sản xuất lớn bị suy giảm. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất ure hưởng nhiều thuận lợi do chính sách thắt chặt xuất khẩu và căng thẳng địa chính trị.

Ở thời điểm hiện tại, Nga và Trung Quốc tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón đến hết năm 2022. Ngoài ra, châu Âu hạn chế sử dụng khí do nguồn cung từ Nga thấp khiến cho hoạt động sản xuất ở khu vực gián đoạn và cũng làm nguồn cung thế giới bị thiếu hụt hơn. Tuy nhiên VDSC nhận định, giá phân bón khó tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu phân bón trên thế giới nhìn chung yếu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.