Vốn chủ sở hữu một doanh nghiệp 'bốc hơi' 95% trong năm 2022

Revital Tây Giang
10:29 - 17/05/2023
Dư nợ trái phiếu của Revital Việt Nam tại ngày 31/12/2022 là 1.155 tỷ đồng (ảnh minh họa).
Dư nợ trái phiếu của Revital Việt Nam tại ngày 31/12/2022 là 1.155 tỷ đồng (ảnh minh họa).
0:00 / 0:00
0:00
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới công bố thông tin tài chính định kỳ năm 2022 của CTCP Đầu tư Revital Việt Nam với nhiều điểm đáng chú ý về sự sụt giảm vốn chủ sở hữu.

Theo thông tin công bố ngày 15/5, tại thời điểm 31/12/2022, Revital Việt Nam ghi nhận vốn chủ sở hữu 9,39 tỷ đồng, giảm tới hơn 95% so với thời điểm đầu năm. Điều này chủ yếu tới từ việc công ty báo lỗ 193 tỷ đồng trong năm 2022, cao hơn nhiều khoản lỗ 156,5 tỷ đồng của cùng kỳ 2021.

Tính tới thời điểm cuối năm ngoái, tổng nợ phải trả của Revital Việt Nam là 1.838 tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm và cao gấp 196 lần vốn chủ sở hữu, trong đó dư nợ trái phiếu không đổi ở mức 1.155 tỷ đồng.

Revital Việt Nam được thành lập năm 2014 với tiền thân là CTCP Đầu tư Tài Tâm Việt, có trụ sở tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, vốn điều lệ 650 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Revital Việt Nam hiện là bà Trần Kim Hạnh (SN 1978), ngụ tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Trước đó, giai đoạn 2017-2018 vị trí người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT Revital Việt Nam thuộc về bà Trịnh Thị Hà (SN 1979) - một trong những nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái CTCP Tập đoàn công nghiệp Tây Giang hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, tài chính, địa ốc. Nữ doanh nhân tới từ Hà Nội này từng là cổ đông sở hữu 55% vốn điều lệ của Công ty TNHH Cốc hóa Tây Giang và hiện đứng tên nhiều doanh nghiệp như CTCP Familia, CTCP Veracity và CTCP Phát triển Đầu tư – Xây dựng Bách Giang – DCI.

Trong nhóm doanh nghiệp do bà Trịnh Thị Hà đang đứng tên, CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Bách Giang – DCI là chủ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới phía Đông huyện Văn Giang (Huyện Văn Giang, Hưng Yên), quy mô 50 ha.

Đặc biệt, bản thân Revital Việt Nam cũng là công ty mẹ của Bách Giang – DCI với tỷ lệ sở hữu 55%, tương đương phần vốn góp 1.457,5 tỷ đồng. Còn lại 45% thuộc về CTCP Đầu tư Thủy Hòa, một doanh nghiệp khác ở trong cùng hệ sinh thái (số liệu tính tới tháng 7/2022).

Trong khi đó, CTCP Familia có tiền thân là CTCP Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, là chủ dự án Chung cư Discovery Complex tọa lạc tại số 25 Hoàng Quốc Việt. Tính tới ngày 29/4/2020, 99,79% vốn điều lệ của doanh nghiệp này thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư xây dựng và bất động sản HQV – công ty con của CTCP Đầu tư Bất động sản I.P.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT của Đầu tư Thủy Hòa từng là cổ đông nắm giữ 20,4 triệu cổ phần của Bất động sản I.P. Ông Hùng cũng có thời gian làm Chủ tịch HĐQT của Bất động sản I.P cho tới tháng 6/2018.

Về CTCP Veracity, doanh nghiệp này được biết đến là chủ của dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building, tại thửa B, khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, sau khi nhận chuyển nhượng từ Liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216 năm 2019.

CTCP Veracity tiền thân là CTCP Khai khoáng Phương Minh Đăng, được thành lập vào ngày 9/10/2017. Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp là 20 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập là CTCP Khai thác Nhà Hà Nội (90%), Phạm Quang Thảo (5%) và Nguyễn Viết Ngọc (5%).

Một tháng sau (tức ngày 24/11/2017), công ty đổi tên thành Công ty TNHH Veracity, cơ cấu cổ đông thay đổi thành ông Nguyễn Hải Lưu (60%), Phạm Quang Thảo (5%) và Nguyễn Viết Ngọc (35%).

Cơ cấu sở hữu của công ty có nhiều thay đổi giai đoạn sau đó. Cụ thể, tính tới tháng 1/2022, Veracity có một cổ đông lớn mới là ông Nguyễn Anh Tiến (SN 1980), sở hữu 35% vốn điều lệ, tương đương 10,15 triệu cổ phần. Doanh nhân sinh năm 1980 này cũng có thời điểm nắm giữ vị trí Tổng giám đốc của Veracity.

Theo tìm hiểu của phóng viên Mekong ASEAN, ông Nguyễn Anh Tiến từng được biết đến là người đại diện theo pháp luật của CTCP Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn giai đoạn 2019 – 2020. Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn là một thành viên khác của Tập đoàn Tây Giang.

Theo thông tin từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Revital Việt Nam đang làm thủ tục giải thể.

Dữ liệu của Mekong ASEAN cho thấy, CTCP Phát triển Đầu tư – Xây dựng Bách Giang – DCI vào ngày 10/5 đã tiến hành sáp nhập doanh nghiệp với các cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Thủy Hòa và CTCP Đầu tư Revital Việt Nam. Vốn điều lệ của Đầu tư – Xây dựng Bách Giang – DCI cũng được nâng từ 2.652 tỷ đồng lên 3.542 tỷ đồng.

Đọc tiếp