Theo số liệu Tổng cục Thống kê (GSO), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2024 có 42 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 103,5 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, có 10 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 32,5 triệu USD, giảm 81,3%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 136,1 triệu USD, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.
Về lĩnh vực đầu tư, khai khoáng dẫn đầu tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, đạt 58,6 triệu USD, chiếm 43,1% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 32,5 triệu USD, chiếm 23,9%;
Đứng thứ ba, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 11,3 triệu USD, chiếm 8,3%; hoạt động xây dựng đạt 5,5 triệu USD, chiếm 4,0%; dịch vụ khác đạt 10,0 triệu USD, chiếm 7,4%.
Về quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2024, có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam.
Trong đó, Hà Lan là nước dẫn đầu với 54,6 triệu USD, chiếm 40,1% tổng vốn đầu tư; Lào đạt 50 triệu USD, chiếm 36,8%; Hoa Kỳ đạt 7,7 triệu USD, chiếm 5,6%; New Zealand đạt 5,9 triệu USD, chiếm 4,3%; Indonesia đạt 5,5 triệu USD, chiếm 4,0%.
Lũy kế đến tháng 5/2024, Việt Nam đã có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,25 tỷ USD.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,6%).
Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,8%); Campuchia (13,1%); Venezuela (8,2%).