WB cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 từ 5,4% xuống 5,1%. Ảnh: Internet |
Trong báo cáo mới nhất về nền kinh tế Trung Quốc ngày 22/12, WB dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng 8% vào năm 2021 so với một năm trước - thấp hơn so với các dự báo trước đó của họ. Vào tháng 10, WB dự kiến Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm nay. Vào tháng 6, WB dự kiến mức tăng trưởng đạt 8,5%.
WB cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 từ 5,4% xuống 5,1%. Đây sẽ là con số đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai của Trung Quốc kể từ năm 1990 - khi nền kinh tế nước này tăng 3,9%. WB nhận định: "Nguy cơ suy giảm đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc đã tăng lên".
Nhiều thách thức, lắm nguy cơ
Các đợt bùng phát Covid-19 trong nước xuất hiện, bao gồm cả những ca mắc biến chủng Omicron, có thể khiến Trung Quốc thực hiện lệnh phòng chống dịch bệnh và hạn chế đi lại "trên diện rộng và lâu dài hơn", gây ra những gián đoạn hơn nữa cho hoạt động kinh tế.
Ngoài ra, WB cũng nhấn mạnh về “cuộc suy thoái nghiêm trọng và kéo dài" trong lĩnh vực bất động sản tạo có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế.
Trong năm 2021, Trung Quốc đã phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế. Ảnh: TTXVN |
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất đạt mức tăng trưởng dương vào năm 2020. Nhưng trong năm 2021, nước này đã phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế, bao gồm các biện pháp chống dịch khắt khe, cuộc khủng hoảng năng lượng và một cuộc chỉnh đốn hoạt động doanh nghiệp chưa từng có đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Đợt chỉnh đốn kéo dài một năm đối với các ngành công nghệ, giáo dục và giải trí đã ảnh hưởng lớn đến cổ phiếu. Điều này gây ra tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt ở nhiều công ty, gia tăng áp lực cho lĩnh vực việc làm ngay cả khi các ngành này đang cố gắng phục hồi sau đại dịch.
Các quy định bổ sung đối với các công ty bất động sản bắt đầu từ năm ngoái đã làm tăng thêm nhiều thách thức cho các chủ đầu tư lớn - những công ty vốn đã gánh quá nhiều nợ. Bất động sản - chiếm gần 1/3 GDP của Trung Quốc - hiện đang trong tình trạng lao dốc ngày càng nghiêm trọng, khi các tên tuổi lớn đều trên bờ vực sụp đổ.
Ổn định là ưu tiên hàng đầu cho năm 2022
Những cơn đau đầu về kinh tế ngày càng gia tăng đã khiến Bắc Kinh phải xem xét lại cách tiếp cận chính sách của mình. Trong cuộc họp kinh tế quan trọng hồi đầu tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác đã nhận định “ổn định" là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế cho năm 2022.
Đó là một mục tiêu lớn so với cuộc họp năm ngoái, khi Trung Quốc đặt mục tiêu "kiềm chế mở rộng vốn vô tổ chức”.
Sự vỡ nợ của China Evergrande tạo vết rạn nứt trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Các nhà chức trách đã tăng cường nỗ lực nhằm khôi phục nền kinh tế. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 20/12 đã cắt giảm lãi suất chính lần đầu tiên trong vòng 20 tháng, với hy vọng giảm chi phí đi vay cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương cũng đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết các ngân hàng xuống 0,5%. Động thái đó dự kiến sẽ giải phóng khoảng 1,2 nghìn tỷ NDT (188 tỷ USD) cho các khoản vay kinh doanh và hộ gia đình.
Mặc dù Trung Quốc cần sẵn sàng để nới lỏng chính sách tài khóa và cung cấp thanh khoản để ngăn chặn rủi ro lây lan từ các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn, WB cho rằng chính sách thúc đẩy tăng trưởng truyền thống thông qua cơ sở hạ tầng và đầu tư bất động sản đã "lỗi thời”.
"Để đạt được tăng trưởng có chất lượng trong trung hạn, Trung Quốc sẽ cần phải tái cân bằng nền kinh tế trên nhiều khía cạnh," WB nhận định.
Các biện pháp đó bao gồm những nỗ lực biến Trung Quốc trở thành nền kinh tế dựa vào tiêu dùng và dịch vụ, để thị trường và khu vực tư nhân - thay vì sự lãnh đạo và điều tiết của nhà nước - đóng một vai trò lớn hơn và chuyển đổi từ nền kinh tế ít phát thải khí carbon.
Để hỗ trợ tái cân bằng, WB đề nghị Trung Quốc tiến hành cải cách tài khóa để tạo ra một hệ thống thuế tiến bộ hơn và tăng cường mạng lưới an toàn xã hội, khuyến khích sử dụng rộng rãi các phương thức định giá carbon và thúc đẩy sự phát triển của các công cụ tài chính xanh.