Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Dashzegviin Amarbayasgalan và Thủ tướng Luvsannamsrain Oyun – Erdene.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rời thủ đô Ulaanbaatar, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ. Ảnh: TTXVN |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã dự khai mạc Ngày Văn hóa Việt Nam năm 2024 tại Mông Cổ; thăm Trường liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm và gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Mông Cổ; tiếp một số tổ chức doanh nghiệp tại Mông Cổ...
Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ tăng cường mở rộng mạnh mẽ trong suốt 70 năm qua; trao đổi ý kiến sâu rộng về phương hướng phát triển quan hệ song phương thời gian tới và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Phía Mông Cổ khẳng định luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn phát triển mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam khẳng định coi trọng phát triển quan hệ với Mông Cổ, tôn trọng chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình, rộng mở, tự chủ và đa trụ cột của Mông Cổ, chính sách “láng giềng thứ ba” và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cho rằng việc phát triển và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên "Đối tác toàn diện" và tiếp tục thúc đẩy mở rộng hợp tác.
Bộ trưởng ngoại giao Mông Cổ B. Batsetseg tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại sân bay Thành Cát Tư Hãn, thủ đô Ulaanbaatar. Ảnh: TTXVN |
Hai bên nhất trí tăng cường hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp thông qua các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; nhất trí ủng hộ về mặt chính sách mở rộng quan hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước; nghiên cứu khả năng thiết lập cơ chế hợp tác mới giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước...
Mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật; mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư; thúc đẩy hợp tác thực chất về các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, lao động, môi trường và bảo trợ xã hội; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký 7 văn kiện hợp tác. Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ góp phần quan trọng định hướng và mở ra triển vọng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Ireland của nguyên thủ Việt Nam
Rời Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục lên đường thăm cấp Nhà nước tới Ireland theo lời mời của Tổng thống Ireland Michael D. Higgins.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của nguyên thủ Việt Nam kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Ireland là một dân tộc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về lịch sử và truyền thống yêu nước, ý chí vươn lên, nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Hai bên có nhiều dư địa, tiềm năng để tăng cường hợp tác, cùng phát triển.
Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Ireland có thế mạnh như đầu tư chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, giáo dục - đạo tạo, nhất là giao dục đại học.
Việt Nam - Ireland thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/4/1996. Ireland đã công bố Chiến lược hợp tác Việt Nam và 3 nước khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2017 - 2020, khẳng định coi trọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, hợp tác phát triển, thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo và giao lưu nhân dân.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ireland tăng trưởng tích cực. Theo số liệu từ Bộ kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 7/2023, Ireland có 41 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 60,82 triệu USD, đứng thứ 55/147 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam là một trong số 9 nước đối tác ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Ireland.