Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,57 triệu tấn phân bón với giá trị 644 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 409 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, lượng và kim ngạch xuất khẩu phân bón tăng lần lượt 13,7% và 11,6%.
Việt Nam xuất khẩu phân bón sang 10 thị trường chính. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với giá trị 219 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với 76 triệu USD, tăng tới 230% YoY; tiếp đến là Philippines với 41 triệu USD, tăng 73% YoY; Malaysia với 38 triệu USD, tăng 29% YoY...
Trong số các thị trường chính, kim ngạch xuất khẩu phân bón sang Đài Loan (Trung Quốc) có mức tăng trưởng lớn nhất với +613% YoY, từ 2,2 triệu USD lên 15,7 triệu USD. Phân bón xuất khẩu sang Nhật Bản cũng tăng tới 324% YoY, từ 2,9 triệu kỳ trước lên 12,3 triệu USD tại kỳ này.
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu phân bón sang Mozambique ghi nhận giảm sâu 33% YoY, còn 6 triệu USD; sang Thái Lan giảm 6,8% YoY, còn 8,1 triệu USD.
Trong khối ASEAN, Việt Nam còn xuất khẩu phân bón sang Lào với 24,7 triệu USD, tăng 42,7% YoY; sang Myanmar với 23,5 triệu USD, giảm 2,8% YoY.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam chi 1,58 tỷ USD để nhập khẩu 4,8 triệu tấn phân bón với giá nhập khẩu trung bình đạt 329 USD/tấn, tăng 30,9% về lượng và 25,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam nhập khẩu phân bón từ 18 thị trường chính, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất với 673 triệu USD, tăng 12% YoY. Nga là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai với 227 triệu USD, tăng tới 109% YoY; tiếp đến là Lào đạt 81,5 triệu USD, giảm 6,6% YoY; Hàn Quốc đạt 72,8 triệu USD, tăng 27,9% YoY.
Trong khối ASEAN, ngoài Lào, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu phân bón từ Indonesia đạt 41 triệu USD, tăng 8,7% YoY; từ Malaysia với 27 triệu USD, tăng tới 107% YoY; Philippines với 10,7 triệu USD, giảm 10% YoY và Thái Lan với 5,9 triệu USD, tăng 11,3% YoY.
Trong số các thị trường chính, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Ấn Độ tăng tới 70% YoY, lên mức 2,9 triệu USD; từ Arab Saudi tăng 8.850% YoY, từ 0,02 triệu USD lên 1,79 triệu USD (lượng nhập khẩu tăng từ 50 tấn lên 3.026 tấn).
Đánh giá về thị trường phân bón trong thời gian tới, theo báo cáo ngành phân bón của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) công bố đầu tháng 12/2024, Hiệp hội phân bón thế giới (IFA) dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón sẽ tăng nhẹ trong 2 năm tới. Dự báo nhu cầu tiêu thụ phân ure tăng 6% trong giai đoạn 2024 – 2028. Đối với phân lân sẽ phụ thuộc vào những thay đổi trong chiến lược xuất khẩu của Trung Quốc và Maroc. Nhu cầu phốt phát sẽ vẫn chịu áp lực vào năm 2025, tăng trưởng nhẹ dưới 2% vào năm 2026.
Tại thị trường nội địa, các chuyên gia TPS cho rằng thị trường phân bón Việt Nam có giá trị 3,44 tỷ USD trong năm 2024, dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 3,38%, có thể đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2030 (tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2017 - 2023 là 1%).
Theo TPS, ngành phân bón Việt Nam đang có sự tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ cho nông nghiệp bền vững, mở rộng canh tác định hướng xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi sang cây trồng có năng suất cao và đầu tư vào các phương pháp canh tác bền vững.
Mặt khác, điểm sáng ngành phân bón trong nước là dự thảo sửa đổi thuế VAT đưa phân bón vào diện chịu thuế 5% vừa được thông qua sẽ thúc đẩy lợi nhuận và tăng tính cạnh tranh về giá bán cho các doanh nghiệp phân bón.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, trong đó bao gồm việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với hàng hóa phân bón, quặng để sản xuất phân bón. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Tại tọa đàm “Thuế GTGT cho phân bón - Vì lợi ích của nông dân và sự phát triển của ngành phân bón trong nước” diễn ra vào giữa tháng 11/2024, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Vụ Chính sách Tổng cục Thuế cho biết, việc chuyển phân bón (đầu vào cho sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế VAT 5% sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất nội địa.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết, nếu phân bón áp thuế VAT 5%, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế đầu vào, có điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, gia tăng cạnh tranh.