10 tháng năm 2022 Hà Nội thu hút 1,28 tỷ USD vốn FDI

HÀ NỘI KINH TẾ
14:48 - 28/10/2022
10 tháng năm 2022 Hà Nội thu hút 1,28 tỷ USD vốn FDI
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội thu hút được 1,28 tỷ USD vốn FDI trong 10 tháng năm 2022, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số IIP của thành phố tăng 8,7%; doanh thu du lịch đạt gần 44.000 tỷ đồng, với tổng lượng khách du lịch ước đạt 15,38 triệu lượt khách. 

Hà Nội có 21 dự án FDI mới trong tháng 10

Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 10, thành phố có 21 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,7 triệu USD.

Có 22 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký tăng thêm đạt 237,1 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 30 lượt, đạt 20 triệu USD.

Lũy kế 10 tháng năm 2022, Hà Nội thu hút 1,28 tỷ USD vốn FDI, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới là 283 dự án với số vốn đạt 185,1 triệu USD; 163 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 573 triệu USD; 324 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 521,9 triệu USD.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 10, thành phố có hơn 2.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 37% so với tháng 10/2021; vốn đăng ký đạt 18.300 tỷ đồng, giảm 32%.

Thành phố cũng thực hiện thủ tục giải thể cho 268 doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ; 1.264 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 50%; 824 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 24%.

Cộng dồn 10 tháng năm 2022, Hà Nội có 24.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 283.000 tỷ đồng, tăng 7%.

Thực hiện thủ tục giải thể cho gần 3.000 doanh nghiệp, tăng 19% so với cùng kỳ; có trên 15.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 43%; 8.900 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước giữa bối cảnh mới của nền kinh tế.

Trước đó, nhằm chuẩn bị sẵn hạ tầng, Hà Nội đã ra Quyết định phê duyệt "Đề án thành lập từ 2 - 5 khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025".

Hà Nội cũng đang triển khai dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.

10 tháng năm 2022 chỉ số IIP của Hà Nội tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, so với tháng trước thì công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,4%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 0,4%; khai khoáng tăng 0,4%. Còn so với cùng kỳ năm trước thì mức tăng trưởng của các ngành này lần lượt là tăng 9,2%; tăng 6,8%; tăng 12,7% và tăng 3,5%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số IIP của Hà Nội tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%. Sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%. Riêng khai khoáng giảm 4,9%.

Trong 10 tháng năm nay, một số ngành có chỉ số IIP đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 19,1%; sản xuất đồ uống tăng 17,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,6%... Riêng sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic giảm 3% và sản xuất máy móc, thiết bị giảm 8%.

Còn theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 10 ước tính tăng 1,3% so với cuối tháng trước và tăng 0,4% so với cùng thời điểm năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lao động đang làm việc trong ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 23%; ngành chế biến, chế tạo giảm 1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,2%; ngành khai khoáng giảm 2,8%.

Một số ngành công nghiệp có lao động làm việc tăng cao như sản xuất xe có động cơ tăng 12,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 13%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 5,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 4,6%; thu gom, xử lý rác thải, tái chế phế liệu tăng 89%.

Doanh thu du lịch đạt gần 44.000 tỷ đồng trong 10 tháng năm 2022

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 15,38 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt trên 982.000 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 14,4 triệu lượt khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ khách du lịch ước đạt gần 44.000 tỷ đồng cũng tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng trong tháng 10/2022, khách du lịch quốc tế và nội địa đến Hà Nội được dự báo tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,51 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 1,3 triệu lượt khách; khách du lịch quốc tế ước đón khoảng trên 212.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.970 tỷ đồng.

Về chỉ tiêu hoạt động các cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác, trong tháng 10/2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trên địa bàn Hà Nội ước đạt 43,8%; tăng 1% so với tháng 9/2022 và tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ước thực hiện 10 tháng đầu năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 35% tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 9 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan, mua sắm.

Tin liên quan

Đọc tiếp