PGS.TS Phạm Thế Anh là thành viên HĐQT MBS. |
Tại ĐHĐCĐ của Chứng khoán MB (mã chứng khoán MBS) sáng 28/3, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên HĐQT độc lập MBS đã chia sẻ về nhận định tình hình vĩ mô và tác động đến thị trường chứng khoán.
Theo vị chuyên gia, trong những năm vừa qua, kinh tế giới giới gặp khó khăn do Covid-19, lạm phát, biến động địa chính trị... Tuy nhiên ông cho rằng những điều xấu nhất đã rơi vào năm 2022-2023, triển vọng kinh tế hiện đang dần tốt lên.
Về kinh tế trong nước, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận thấy một số động lực tăng trưởng chính. Thứ nhất, xuất khẩu đang cải thiện dần, tuy nhiên sẽ khó tăng trưởng cao như giai đoạn 2021-2022 do lúc đó thế giới bị phong toả, người dân các nước chuyển từ tiêu dùng dịch vụ sang tiêu dùng hàng hoá; đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các nhà bán lẻ nhập khẩu nhiều để tích trữ, phòng ngừa.
Thứ hai, đầu tư tiếp tục là điểm sáng khi Việt Nam được thế giới lựa chọn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. “Cộng thêm tác động của biến động địa chính trị thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến dòng vốn FDI chảy vào mạnh mẽ,” ông Thế Anh dự báo.
Thứ ba là động lực từ đầu tư công, khi Chính phủ đang cố gắng thúc đẩy các dự án trọng điểm.
Và cuối cùng là tiêu dùng, sau đợt tăng giá khởi sắc các thị trường tài sản, nhu cầu tiêu dùng dự kiến cũng sẽ tốt hơn. “Tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt 6%, đây là con số khả thi,” chuyên gia nói.
Về thị trường chứng khoán, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết các yếu tố ảnh hưởng là lãi suất, tỷ giá, lạm phát. Theo ông, các điều kiện tài chính thế giới đang ủng hộ, đó là nhiều ngân hàng trung ương lớn đã quay đầu về chính sách tiền tệ, khi lạm phát đã chững lại và đi xuống. Trong nước, định hướng Chính phủ vẫn duy trì lãi suất thấp. Lãi suất huy động dao động quanh 5% vẫn là điều kiện hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Về tỷ giá, chuyên gia đánh giá, Việt Nam vẫn là trung tâm xuất khẩu, đầu tư nước ngoài. Do đó về lâu dài, Khi Việt Nam vẫn duy trì thặng dư xuất khẩu, thu hút FDI, cộng thêm hỗ trợ lãi suất thế giới giảm thì tỷ giá không phải vấn đề quá lo ngại. “Động thái bơm hút tiền của Ngân hàng Nhà nước chỉ là tạm thời,” ông Thế Anh nói.
Về lạm phát, những năm vừa qua Việt Nam đã kiểm soát tốt. Hiện giá cả thế giới không đáng ngại, tuy nhiên trong nước cần lưu ý xu hướng lạm phát có thể tăng dần vào cuối năm, do sự hồi phục của tiêu dùng trong nước, tăng lương trong hệ thống công chức, điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện nước, y tế, giáo dục...
Nhìn chung, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm vẫn duy trì quanh 5%, cộng tăng trưởng thực của nền kinh tế sẽ giúp hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn, đặc biệt là các doanh nghiệp không chịu sức ép vay nợ nước ngoài.
Với lãi suất trong nước thấp, chi phí vốn của các doanh nghiệp sẽ giảm. Những doanh nghiệp hướng ra thị trường xuất khẩu được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới tăng trở lại và tỷ giá mất giá đôi chút.