
![]() |
Bộ trưởng thứ hai của Bộ Tài chính Malaysia Amir Hamzah Azizan phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Theo New Straits Times. |
Phát biểu tại một sự kiện bên lề Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN ngày 8/4, Bộ trưởng thứ hai của Bộ Tài chính Malaysia Amir Hamzah Azizan nhận định thị trường bán dẫn của ASEAN có tiềm năng vượt 52 tỷ USD vào năm 2032 bằng cách nâng cao chuỗi giá trị.
Không một nền kinh tế nào có thể tự mình dẫn đầu
“ASEAN cần hướng tới giá trị thay vì chỉ tập trung vào sản lượng nếu muốn phát triển thị trường bán dẫn trong khu vực. Điều đó có nghĩa là phải nâng cao chuỗi giá trị, tập trung vào khâu thiết kế, chế tạo và phát triển sở hữu trí tuệ ở giai đoạn đầu để ASEAN không chỉ là nơi lắp ráp sáng tạo mà là nơi khởi nguồn của đổi mới,” ông Azizan nói.
Theo ông, không một nền kinh tế nào có thể tự mình đạt được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bán dẫn. Ông lấy ví dụ, sự vươn lên của Đài Loan (Trung Quốc) không chỉ nhờ vào nguồn nhân lực tài năng, cũng như sự dẫn đầu của Mỹ không chỉ đến từ vốn đầu tư. Điều tạo nên khác biệt là những hệ sinh thái gắn kết, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau. Chính vì thế, ASEAN cũng cần phát triển theo hướng tương tự và cần thực hiện điều đó một cách đồng lòng, theo Free Malaysia Today.
Ông Amir Hamzah Azizan nêu bật tiềm năng của ASEAN trong vai trò là một phần quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu nhờ vào năng lực công nghiệp mạnh mẽ, lực lượng kỹ sư tay nghề cao ngày càng tăng, các trung tâm đổi mới và khả năng tiếp cận với các thị trường tiêu dùng năng động.
"Điểm mạnh của ASEAN không nằm ở việc mỗi quốc gia đều làm điều giống nhau, mà ở khả năng thực hiện những phần việc bổ trợ lẫn nhau. Nếu có sự phối hợp phù hợp, ASEAN hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất chip bán dẫn tích hợp, linh hoạt và sẵn sàng cho tương lai". Ông Amir Hamzah Azizan, Bộ trưởng thứ hai của Bộ Tài chính Malaysia |
Thách thức đang gia tăng và phản ứng với chủ nghĩa bảo hộ
Tuy nhiên, ông Azizan cũng chỉ ra những thách thức đang gia tăng, bao gồm việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của căng thẳng địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng phổ biến.
Tại sự kiện diễn ra ngày 8/4, ông Amir đề cập đến tác động của mức thuế đối ứng gần đây của Mỹ, bao gồm mức thuế 24% đối với hàng xuất khẩu từ Malaysia - điều mà ông cho là một phần của làn sóng bảo hộ thương mại đang lan rộng toàn cầu.
Ông cho rằng, động thái này là một bước ngoặt đối với ASEAN, đòi hỏi sự rõ ràng, phối hợp và quyết tâm chung. Theo Bộ trưởng thứ hai Bộ Tài chính Malaysia, phản ứng tốt nhất của ASEAN không phải là rút lui vào chủ nghĩa bảo hộ, mà là giành lợi thế thông qua hội nhập. ASEAN hoàn toàn có thể tăng cường khả năng thích ứng, chủ động ứng phó với các thách thức toàn cầu và bảo đảm sự thịnh vượng lâu dài thông qua sự hợp tác bền vững giữa các quốc gia thành viên, New Straits Times đưa tin.
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy chủ nghĩa khu vực cởi mở
Song song với đó, ASEAN phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy chủ nghĩa khu vực cởi mở thông qua các khung hợp tác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời tận dụng tối đa các công cụ như cơ chế một cửa ASEAN để giảm thiểu xung đột và xây dựng lòng tin.
Thực tế, ASEAN đã sản sinh ra hơn 10 kỳ lân (startup trị giá trên 1 tỷ USD) với tổng giá trị vượt 34 tỷ USD kể từ năm 2012. Dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực vẫn đang đối mặt với những thách thức như khả năng tiếp cận vốn không đồng đều, thị trường phân mảnh và thiếu các cơ chế hỗ trợ hiệu quả.
Ông Azizan so sánh rằng nếu chất bán dẫn là phần cứng của nền kinh tế trong tương lai thì các công ty khởi nghiệp chính là hệ điều hành, giúp thúc đẩy sự tăng tốc, khả năng thích ứng và đổi mới. Song, những ý tưởng táo bạo sẽ khó có thể vươn xa nếu phát triển một cách biệt lập.
Theo ông, để bứt phá, các công ty khởi nghiệp cần một hệ sinh thái tạo điều kiện bao gồm các quy tắc minh bạch, thị trường mở, mạng lưới đáng tin cậy và các tổ chức hỗ trợ đồng hành.
“Điều quan trọng là phải củng cố sự gắn kết trong khu vực, từ việc phát triển thị trường vốn, đơn giản hóa các quy định cho đến cải thiện hạ tầng kết nối. Thông qua việc thúc đẩy dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ và dòng vốn giữa các nước, chúng ta có thể xây dựng một ASEAN cạnh tranh hơn, hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển,” ông Azizan nói.
![]() Malaysia sẽ thắt chặt các quy định về xuất khẩu chip bán dẫn sau khi chịu áp lực từ Mỹ nhằm ngăn chặn các chip của Nvidia bị chuyển sang Trung Quốc. |
![]() Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI của NVIDIA tại Việt Nam sẽ là cú hích quan trọng giúp Việt Nam có được bước tiến lớn về công nghệ trong thời gian tới, có tác động lan tỏa tới các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI đầu tư vào Việt Nam. |
![]() Chiến lược ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đặt mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2024-2030. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng không mơ hồ khi Việt Nam đang hội tụ những lợi thế và cơ hội vươn mình trong kỷ nguyên mới. |