Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: DW |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro của Pháp, khi được hỏi về việc Nga có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột tại Ukraine hay không, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhận định: "Họ có thể, nếu như Ukraine không được hỗ trợ khẩn cấp".
"Ukraine không có cơ sở hạ tầng quân sự hiện đại, nhưng họ có nguồn nhân lực. Nếu chúng ta không viện trợ thiết bị quân sự cho Ukraine trong những tuần tới, Nga có thể chiến thắng", ông Duda cảnh báo.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa trên mặt trận Bakhmut. Ảnh: Reuters |
Ngay sau bình luận của Tổng thống Ba Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 12/2 một lần khẳng định, ngay cả khi phương Tây viện trợ quân sự khẩn cấp cho Kiev, thì điều đó cũng không thể thay đổi kết quả của cuộc xung đột.
"Việc chuyển giao vũ khí sẽ không giúp ích gì, nó chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Sám hối về những gì họ đã làm là lối thoát duy nhất của phương Tây", bà Zakharova viết trên Telegram.
Đầu tháng này, Mỹ và một loạt các đồng minh NATO cam kết cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng và hệ thống phòng không hiện đại tới chiến trường Ukraine.
Trong đó, Đức cho biết, 14 xe tăng Leopard 2 do nước này sản xuất sẽ đến Ukraine vào khoảng cuối tháng 3. Berlin cũng thông báo đang chuẩn bị mua khoảng 190 xe tăng Leopard 1 đã ngừng hoạt động để nâng cấp và chuyển cho Ukraine.
Ba Lan, một trong những quốc gia EU cam kết hỗ trợ Ukraine mạnh nhất, tuyên bố sẽ chuyển giao cho nước bạn 14 xe tăng Leopard 2 và 60 xe tăng T-72 từ thời Liên Xô.
Đức tuyên bố cung cấp 14 xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine. Ảnh: AFP |
Giới chức Ukraine cho biết những vũ khí hạng nặng như xe tăng của phương Tây sẽ giúp Kiev có thể giành ưu thế trên chiến trường. Tuy nhiên, Kiev cũng hối thúc các đồng minh và đối tác viện trợ máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa, đẩy nhanh tốc độ chuyển giao để ngăn chặn kế hoạch tấn công tổng lực của Nga có thể diễn ra trong mùa xuân hoặc mùa hè.
Trong khi đó, phương Tây cũng loại trừ khả năng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 - một đề nghị mới từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Hôm 9/2, Phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, Igor Zhovkva, nói với Bloomberg rằng lực lượng Kiev "gần như không còn đạn dược" do giao tranh ác liệt với quân đội Nga ở khu vực Donbass.
Nga đã nhiều lần kêu gọi tập thể phương Tây ngừng bơm vũ khí hiện đại cho Ukraine, cảnh báo rằng việc viện trợ quân sự đang diễn ra sẽ chỉ kéo dài chiến sự và có nguy cơ leo thang thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ hai nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hiện tại, thành phố Bakhmut và các khu vực vùng Donbass ở miền Đông Ukraine là mặt trận giao tranh khốc liệt nhất. Cả Nga và Ukraine đều dồn toàn lực, bao gồm quân nhân và khí tài quân sự, để giành được thành phố chiến lược này.
Một nguồn tin tình báo của Ukraine tiết lộ rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo quân đội nước này kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass trước tháng 3 năm nay.