Ảnh minh họa. |
Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội sáng 22/11, Chính phủ bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.
Cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Tài chính, Ngân sách ghi nhận đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung sản phẩm này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân béo phì. Trong khi đó, việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát mà còn có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời có thể gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.
Với mức thuế suất đề xuất cho mặt hàng trên là 10%, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng mức 10% là khá thấp, có thể không đủ để tác động, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, dẫn đến không đạt được mục tiêu đặt ra trong ban hành chính sách. Do đó, cần cân nhắc để đề xuất mức thuế cao hơn để đạt được mục tiêu điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 22/11. |
Thảo luận tại tổ trong sáng 22/11, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng thuế nước giải khát có chứa đường. Theo bà, hiện nay có đã có bằng chứng mạnh mẽ của WHO chứng minh rằng việc tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, sâu răng, loãng xương và gây thừa cân và béo phì, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm khác bao gồm cả ung thư.
Tại Việt Nam, tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng gấp 4 lần trong 15 năm, từ 18,5 lít/người năm 2009 lên 66 lít/người năm 2023. Xu hướng gia tăng sử dụng đồ uống có đường đáng báo động này là một yếu tố quan trọng góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân béo phì ở thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19, đã tăng hơn gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020, khiến nhóm người trẻ này có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và các rối loạn sức khỏe gây ra bởi thừa cân béo phì cao hơn nhiều trong cuộc sống sau này.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường phù hợp với xu hướng quốc tế và khu vực hiện nay, với ít nhất 104 quốc gia trên toàn thế giới và 6 quốc gia trong khu vực ASEAN đã áp dụng.
Bộ Y tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ trong việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt trước mắt đối với nước giải khát có chứa đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, còn các loại đồ uống có đường khác sẽ có lộ trình để áp thuế sau khi đã thực hiện ổn định đối với nước giải khát có đường.
Bà Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. |
Bà Trần Thị Vân - Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Ninh thì cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường cần được xem xét kỹ lưỡng.
Phân tích cho quan điểm, bà Vân nhận định, mục tiêu ngăn chặn tình trạng thừa cân, béo phì là cần thiết và nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường sẽ giúp hạn chế hoặc giảm tỷ lệ béo phì lại chưa được đánh giá đầy đủ, chi tiết trong báo cáo đánh giá tác động.
Lý do thứ hai, theo vị đại biểu, chính sách thuế này chưa thực sự đảm bảo công bằng khi chỉ tập trung vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn - chủ yếu được sản xuất bởi các doanh nghiệp được quản lý theo quy chuẩn. Còn đồ uống pha chế tại chỗ chiếm thị phần lớn như cà phê, trà sữa, nước mía... rất khó bị đánh thuế do không thể xác định chính xác hàm lượng đường được đưa vào sản phẩm.
Bà Vân cũng cho rằng, chính sách thuế này sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp ngành đồ uống của Việt Nam, do các doanh nghiệp nội địa khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài đã có kinh nghiệm và công nghệ trong việc sản xuất các loại đồ uống không đường nhưng vẫn có vị ngọt.
“Từ những lý do trên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo có đánh giá kỹ hơn về tác động, biện pháp thực hiện cũng như lộ trình thực hiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường,” bà Vân nêu ý kiến.
Hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá, rượu bia Với mặt hàng bia, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. |