Du khách tham gia giã bánh dày tại chợ phiên Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Cổng TTĐT Sơn La |
Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), thông qua Chợ phiên đặc trưng của ĐBDTTS.
Điểm đặc biệt của những hoạt động này là gắn phương pháp bảo tồn có hiệu quả dưới tác động của nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, các lớp tập huấn góp phần tăng cường quảng bá, phát huy truyền thống nét đẹp văn hóa độc đáo mang đặc trưng của ĐBDTTS gắn với phát triển du lịch, động viên, khích lệ các nghệ nhân sáng tạo những sản phẩm thủ công phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhằm phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức lớp tập huấn.
Theo đó, thời gian tổ chức vào quý 4/2023, địa điểm tổ chức tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Thành phần tham gia lớp tập huấn bao gồm: 05 báo cáo viên là các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia; 76 học viên là những nghệ nhân, trưởng thôn/bản, người có uy tín, đại diện các hộ sản xuất kinh doanh là người DTTS thuộc huyện Vân Hồ, Sơn La.
Các báo cáo viên sẽ thực hiện 4 chuyên đề, cụ thể: 1) Thực trạng, kết quả và hiệu quả chợ phiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 2) Chợ phiên đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trước thách thức của kinh tế thị trường; 3) Tổ chức không gian chợ phiên phù hợp phong tục, tập quán vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 4) Tái hiện mô hình chợ phiên của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Sơn La là tỉnh miền núi phía Bắc, đây là địa bàn cư trú của 12 dân tộc thiểu số với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Những năm gần đây, tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Chợ phiên Chiềng Đi bày bán rất nhiều trang phục của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: Cổng TTĐT Sơn La |
Chợ phiên vùng cao là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Sơn La, đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Tại chợ phiên, các gian hàng của người đồng bào dân tộc tại địa phương bày bán các sản vật đặc trưng của vùng cao như: thổ cẩm, rau tươi, măng, gạo, nấm, mộc nhĩ, thịt...
Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa được thể hiện trong chợ phiên như: thổi khèn, đàn môi, lồng ghép với các hoạt động mua bán mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực, sản vật địa phương… vừa đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân, vừa hấp dẫn khách du lịch.
Ngoài ra, các lễ hội truyền thống cũng được tỉnh Sơn La đẩy mạnh, từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh nhà như: Lễ hội mùa hoa ban, Lễ hội đua thuyền, tết độc lập,… Nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn, phục dựng như: Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội Cầu mưa của dân tộc Thái và Lễ hội Ksai sà típ của dân tộc Sinh Mun.
Với nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, những năm gần đây hoạt động du lịch - dịch vụ của tỉnh có bước phát triển vượt bậc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Sơn La đón gần 3 triệu lượt khách du lịch, bằng 185% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu ước đạt 3.000 tỷ đồng, bằng 234% so với cùng kỳ năm trước.