Bất động sản và chứng khoán được dự báo hưởng lợi nhất từ giảm lãi suất

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
12:05 - 25/05/2023
Bất động sản và chứng khoán được dự báo hưởng lợi nhất từ giảm lãi suất
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên viên tư vấn Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, hai nhóm ngành được cho là hưởng lợi về mặt thông tin nhất từ quyết định giảm lãi suất là bất động sản và chứng khoán - hai nhóm "thèm" dòng vốn nhất của thị trường.

Thống kê cho thấy, trong 29 lần hạ lãi suất điều hành kể từ năm 2000 đến nay, lãi suất điều hành và VN-Index thường có xu hướng ngược nhau. Khi hạ lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có xu hướng đi lên sau đó và ngược lại.

Nhìn vào lần hạ lãi suất gần đây nhất vào tháng 4/2023 khi NHNN đồng loạt hạ các loại lãi suất điều hành 0,5%, nhìn chung cổ phiếu các ngành đều có phản ứng tích cực trong ngắn hạn và trung hạn đối với tin tức này.

Với động thái quyết liệt của NHNN khi lần thứ 3 liên tiếp kể từ tháng 3 tới nay, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành từ hôm nay 25/5. Mekong ASEAN có cuộc trò với ông Đoàn Đức Thắng, Chuyên viên tư vấn đầu tư, Khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt về những tác động của điều chỉnh này đến thị trường chứng khoán.

Bất động sản và chứng khoán hưởng lợi từ giảm lãi suất

Mekong ASEAN: Ngân hàng Nhà nước đã chính thức hạ lãi suất điều hành thêm 0,5% từ 25/5. Theo ông, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng ra sao trước thông tin NHNN giảm lãi suất? Đâu là những nhóm ngành có thể hưởng lợi từ thông tin trên?

Ông Đoàn Đức Thắng: NHNN quyết định hạ lãi suất điều hành thêm 0/5% lần thứ 3 trong 3 tháng liên tục. Tôi cho rằng đây là động thái chủ động từ phía Nhà nước để hỗ trợ xử lý các vấn đề trước mắt liên quan đến vấn đề sức khoẻ của các doanh nghiệp, khi chi phí tài chính tăng đột biến nửa cuối năm vừa qua và quý 1 năm nay ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Lãi suất điều hành được hạ khá nhanh, song cũng được dàn đều ra chứ không "sốc" như thời điểm tăng lãi suất cuối năm 2022. Dù lãi suất cho vay không giảm tương ứng với lãi suất điều hành nhưng cũng tạo ra dư địa để xoa dịu căng thẳng trên thị trường cho vay.

Tuy nhiên cần phải để ý rằng, động thái này của NHNN đồng nghĩa việc dư địa giảm lãi suất trong năm nay không còn nhiều nữa khiến câu chuyện giảm lãi suất không còn nhiều kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán. Việc NHNN chủ động hạ lãi suất nhanh ở thời điểm hiện tại đang đi ngược xu hướng với các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ và khu vực EU.

Cụ thể, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25% vào hồi đầu tháng 5 và việc NHNN Việt Nam giảm lãi suất điều hành từ hồi tháng 3 đến thời điểm hiện tại đã khiến khoảng gap giữa lãi suất các nền kinh tế lớn trên thế giới và Việt Nam rộng hơn. Theo đó, dòng tiền khối ngoại sẽ bị hút trở về - nơi có nền lãi suất tốt hơn và rút khỏi Việt Nam - nơi có nền lãi suất thấp hơn. Mà dòng vốn ngoại vẫn là dòng vốn dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi từ thời điểm tháng 11/2022 cho đến gần đây.

Tuy về mặt chỉ số thì kể từ lúc khối ngoại bắt đầu bán ròng trong khoảng 2 tuần gần đây thì về mặt chỉ số VN-Index giảm không nhiều nhưng cũng khó còn động lực tăng mạnh.

Câu chuyện giảm lãi suất, đến hiện tại hai nhóm ngành được cho là hưởng lợi về mặt thông tin nhất là nhóm bất động sản và chứng khoán - hai nhóm "thèm" dòng vốn nhất của thị trường.

Nhóm bất động sản có câu chuyện xử lý các món trái phiếu cũng như đảo nợ, phần nào bớt khó khăn về mặt dòng tiền. Còn nhóm chứng khoán thì tiếp cận được dòng vốn vay rẻ hơn và sử dụng nghiệp vụ cho vay ký quỹ (margin) với lãi suất hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

Dư địa tăng trưởng trở lại của thị trường là rất lớn

Mekong ASEAN: Lãi suất hạ nhiệt có phải là thời điểm thích hợp để tích luỹ cổ phiếu cho một chu kỳ mới không, thưa ông?

Ông Đoàn Đức Thắng: Thực tế, thời gian vừa qua, lãi suất hạ nhiệt, dòng tiền đầu cơ đổ vào khá mạnh và gần như giá đã phản ứng tương đối sát đối với kỳ vọng của thị trường.

Câu chuyện giảm lãi ở thời điểm hiện tại với cá nhân tôi không còn hấp dẫn như hồi tháng 3 vừa qua. Vì như đã đánh giá ở bên trên, việc giảm lãi suất nhanh như hiện tại sẽ thu hẹp dư địa giảm lãi suất trong năm nay và đồng thời cũng giúp đỡ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề ngắn hạn, song con đường dài vẫn ở phía trước.

Đặc biệt là khu vực sản xuất đối mặt với những tín hiệu không mấy khả quan kể từ nửa cuối năm 2022 đến thời điểm hiện tại và có thể tiếp diễn đến hết 2023, do cầu từ các thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam kém đi khá nhiều trước lo ngại về suy thoái kinh tế.

Đồng thời việc Trung Quốc mở cửa trở lại khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Với cơ hội đầu tư, không nên nhìn quá nhiều vào thời điểm chính xác, mà nên nhìn vào dư địa của nền kinh tế.

Cung tiền M2 hiện đang ở mức thấp nhất lịch sử. Ở khía cạnh tích cực, đồng nghĩa với việc dư địa tăng trưởng trở lại của thị trường là rất lớn khi ở base thấp như hiện tại. Tôi cho rằng điều chúng ta cần quan tâm là câu chuyện chính sách phục hồi và phát triển sẽ hướng dòng tiền vào ngành nào.

Ông Đoàn Đức Thắng.

Mekong ASEAN: Nhìn ra thế giới, trong cuộc họp tháng 6 sắp tới, nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất nhưng chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ khó dừng lại trong một sớm một chiều. Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Nhà Trắng đầu tháng 5 cũng cảnh báo rằng nếu Mỹ vỡ nợ, thị trường chứng khoán sẽ bị sụt giảm 45%. Ông dự báo những diễn biến này sẽ tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam?

Ông Đoàn Đức Thắng: Nhiều dự đoán Fed sẽ dừng lại kể từ tháng 6 tới đây, tôi cũng có đánh giá tương tự khi thời điểm hiện tại qua các chỉ số dữ liệu, lạm phát Mỹ đang được hạ nhiệt kể từ đỉnh lạm phát hồi tháng 6/2022. Số liệu mới nhất tháng 4, con số này chỉ còn dưới 5% (tháng 6/2022 là trên 9%).

Đồng thời việc duy trì nền lãi suất cao đã khiến cho nhiều ngân hàng đầu tư ở Mỹ và Châu Âu lâm vào khủng hoảng vì các khoản đầu tư và cho vay không theo kịp được với lãi suất điều hành. Hệ quả của những lo ngại trên là dòng tiền gửi ngân hàng đang có xu hướng tháo chạy khiến dòng vốn luân chuyển của ngân hàng bị bóp lại. Vậy nên tôi đánh giá rằng các chính sách thắt chặt sẽ sớm kết thúc bởi các ngân hàng phải giải quyết các vấn đề khác ngoài lạm phát.

Đối với lo ngại Mỹ vỡ nợ nếu không được nâng trần nợ công là một sự kiện mang tính khách quan, khó có thể đưa ra dự đoán chính xác. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, tất cả các lần đàm phán với Đảng Cộng hòa đều thành công (trừ thời điểm khủng hoảng Bất động sản hồi 2011, lúc này chỉ số đều sụt giảm rất mạnh và nhanh ở Mỹ).

Giả định nếu sự kiện Mỹ vỡ nợ xảy ra, quan điểm tôi cũng giống đánh giá của CEA là hậu quả của sự kiện này vô cùng lớn, thậm chí tác động mạnh đến cả thị trường Việt Nam - quốc gia đứng trong top 40 quốc gia và vùng lãnh thổ nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ với 37 tỷ USD.

Kỳ vọng nhóm năng lượng bứt phá

Mekong ASEAN: Với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước như vậy, chiến lược đầu tư trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Đoàn Đức Thắng: Quan điểm cá nhân, tôi vẫn đánh giá nhóm năng lượng khá cao và cho rằng kết quả kinh doanh của nhóm này cũng sẽ thể hiện được tương xứng.

Với nhóm khai thác thượng nguồn, nhóm này sẽ thể hiện trễ pha so với khoảng thời gian giá dầu neo cao (năm 2022) với việc đàm phán lại các hợp đồng. Do đó, năm nay nhóm dầu khí thượng nguồn sẽ phản ánh đúng việc giá dầu neo cao ở năm vừa qua lên kết quả kinh doanh năm nay.

Nhóm điện cũng tương đối triển vọng trong năm nay, đặc biệt là điện khí, điện than và điện gió. Việc hiện tượng El Nina kết thúc cuối năm 2022 khiến năm 2023 Thủy điện sẽ gặp khó khăn khi thời tiết không ủng hộ cũng như là xu hướng cắt giảm thủy điện do gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trong khi đó, hiện tượng El Nino đang có dấu hiệu xảy ra, EVN sẽ cân đối đẩy mạnh điện khí, điện gió và điện than nhằm bù đắp cho thâm hụt của thủy điện. Cộng thêm, quyết định Quy hoạch điện VIII vừa được Chính phủ chấp thuận, các dự án điện gió sẽ được tạo điều kiện phát triển trong tương lai.

Mặt khác, mặc dù nhu cầu từ khu vực sản xuất đang giảm dần do kinh tế khó khăn, tuy nhiên hiện tượng EL Nino có thể sẽ nhu cầu sử dụng các thiết bị điện lạnh cao hơn mọi năm, bù đắp thâm hụt từ khu vực sản xuất.

Từ ngày 25/5, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Đồng thời, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Đọc tiếp