Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, dự án Luật đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn và đặt ra trong thời gian qua, theo hướng bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP Hà Nội). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Góp ý về Luật Chứng khoán, bà Mai đồng tình với việc bổ sung thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong việc tập hợp thông tin phát hiện hành vi thao túng chứng khoán, trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra.
Đại biểu đề nghị rà roát để thống nhất với các luật liên quan để làm rõ cơ sở xác định hành vi thao túng chứng khoán.
“Việc sử dụng công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi thao túng chứng khoán ngày càng phức tạp, cần nghiên cứu quy định trong dự thảo luật hoặc văn bản giao Chính phủ quy định, đảm bảo các quy định có hành vi bao quát được các hành vi được thực hiện bằng nhiều công cụ,” bà Mai đóng góp ý kiến.
Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, dự thảo Luật bổ sung điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là đáp ứng quy định của Chính phủ về người đại diện sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành/vốn chủ sở hữu, xếp hạng tín nhiệm. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng điều này là cần thiết, tuy nhiên việc xếp hạng tín nhiệm phải thực hiện rõ ràng để đảm bảo tính hiệu quả. Bà đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và có thể quy định tại các văn bản dưới luật về các tiêu chuẩn về xếp hạng tín nhiệm.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Đoàn Bình Định), minh bạch thông tin là yếu tố rất quan trọng trong việc đảm bảo công bằng giữa các thành viên tham gia thị trường chứng khoán, qua đó duy trì sự ổn định, bền vững. Nhà đầu tư có thể so sánh, lựa chọn khi nhìn rõ giá trị doanh nghiệp, đồng thời hạn chế thông đồng chuyển nhượng, tạo giá ảo nhằm đẩy giá chứng khoán...
Dự thảo luật lần này đã bổ sung quy định về các hành vi không minh bạch, thao túng, không công bố thông tin dự kiến giao dịch... Đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ hơn các quy định về hành vi vi phạm để tất cả các nhà đầu tư có thông tin đầy đủ, có thể giao Chính phủ quy định cụ thể dựa trên tình hình thực tế để tránh phải sửa đổi luật.
Đại biểu cũng đề xuất nâng cao mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán để đủ sức răn đe, theo hướng nâng mức xử phạt trần hoặc phạt gấp nhiều lần mức thu lợi từ hành vi vi phạm; cộng thêm các hình thức bổ sung như đình chỉ giao dịch, cấm hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán...
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu) cho biết, dự thảo Luật đề xuất hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng cần có báo cáo vốn điều lệ đã góp trong 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập. Theo ông Toàn, nhiều các ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế không đồng tình với đề xuất này với lý do phát sinh thời gian, chi phí và có thể gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp...
Tuy nhiên cá nhân ông Toàn cho rằng đề xuất của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp, vì việc kiểm toán vốn điều lệ ban đầu là rất quan trọng, để xác định vốn điều lệ thực góp và số cổ phần lưu hành. Nếu không xác định chính xác thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nhà đầu tư mua từ lần đầu đến những lần mua tiếp theo. Ông lấy ví dụ trường hợp vi phạm của Công ty FLC Faros, từ vốn ban đầu là 1,5 tỷ đồng, sau 5 lần tăng vốn khống trong 3 năm (2014-2016) đã tăng lên 4.300 tỷ đồng, gây hệ luỵ rất lớn cho cả thị trường. “Vụ án Sài Gòn Đại Ninh mới đây cũng tương tự, phù phép tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng”, ông Toàn nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, kiểm toán là điều kiện cần để đảm bảo cho thị trường minh bạch, trong sạch. Để tiết giảm chi phí, ông đề xuất có thể rút ngắn thời gian xuống trong khoảng 5 năm.
Cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình về một số vấn đề đại biểu nêu.
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Chứng khoán, về ý kiến đại biểu đề xuất phát hành ra công chúng cần phải có tài sản đảm bảo hoặc ngân hàng bảo lãnh, Phó Thủ tướng cho biết, ban đầu ban soạn thảo cũng có đưa vào. Tuy nhiên sau nhiều lần tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, các Bộ, ngành thì quyết định không quy định phải bảo lãnh hoặc có tài sản đảm bảo, vì nếu đưa vào sẽ thu hẹp việc phát hành, có thể “bóp nghẹt” thị trường; thay vào đó phải đánh giá tín nhiệm theo thông lệ quốc tế và tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Về việc kiểm toán vốn điều lệ, Phó Thủ tướng cho biết, vốn điều lệ ban đầu theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền tự kê khai và chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến trường hợp doanh nghiệp có thể không có tiền nhưng ghi trên giấy tờ vốn điều lệ tới 10.000 tỷ đồng, 20.000 tỷ đồng, không ai kiểm tra, kiểm soát.
“Thực tế đã xảy ra một số vụ việc đã xảy ra, vì vậy chúng tôi đã đưa cơ chế kiểm soát vào dự thảo luật, nhưng sắp tới kiến nghị cũng phải sửa Luật Doanh nghiệp,” Phó Thủ tướng nói.
UBCKNN: Tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để khôi phục niềm tin |
Thủ đoạn thổi giá cổ phiếu gấp 37 lần của cựu Chủ tịch Louis Holdings |
Thủ đoạn 'thao túng trái phiếu' của Chủ tịch Tân Hoàng Minh |