Thị trường chứng khoán trải qua một tuần giao dịch kém tích cực. Chỉ số VN-Index có lúc xuyên thủng mức đáy 958 điểm và lùi về mức sâu nhất là 947,2 điểm (mức thấp nhất kể từ đầu năm). Chỉ số này phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần và chốt tuần tại mức 954,5 điểm, tương đương giảm 4,3% so với cuối tuần trước.
Theo dữ liệu của StockQ, chỉ số VN-Index tuần qua giảm mạnh chỉ sau chỉ số chứng khoán của Brazil.
Tài sản của các tỷ phú USD người Việt hầu hết đều biến động mạnh so với danh sách được Forbes công bố vào đầu năm. Tính đến phiên giao dịch ngày 11/11, quy mô tài sản của 7 tỷ phú Việt thu hẹp còn tổng cộng 11,93 tỷ USD, tương đương mức giảm 43,7%.
Nhìn lại thời điểm đầu tháng 4/2022, Tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022, Việt Nam góp mặt 7 đại diện trong số 2.668 tỷ phú giàu nhất thế giới. Trong số này bao gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Tính đến ngày 11/3, tức thời điểm Forbes chốt số liệu tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái, 7 tỷ phú Việt Nam khi đó nắm giữ khối tài sản khoảng 21,2 tỷ USD.
Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu tài sản 6,2 tỷ USD; bà Nguyễn Thị Phương Thảo với tài sản 3,1 tỷ USD; ông Trần Bá Dương sở hữu 1,6 tỷ USD; ông Hồ Hùng Anh sở hữu 2,3 tỷ USD; chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang với 1,9 tỷ USD; tỷ phú thép Trần Đình Long 3,2 tỷ USD; chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lần đầu xuất hiện trong danh sách của Forbes, với 2,9 tỷ USD nắm giữ.
Xét về giá trị sụt giảm sau nửa năm, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng ghi nhận mức giảm tài sản mạnh nhất, khoảng 2,3 tỷ USD, tương đương 32%, tài sản còn 3,9 tỷ USD so với mức 6,2 tỷ trước đó, song vẫn giữ vị trí thứ nhất trong danh sách các tỷ phú Việt Nam do Forbes bình chọn.
Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm vừa công bố của Vingroup và Vinhomes, tập đoàn đã chi trả thù lao cho HĐQT và ban tổng giám đốc lần lượt 24,1 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và nhiều thành viên HĐQT không nhận thù lao.
Trên thị trường chứng khoán, VIC - Cổ phiếu Tập đoàn Vingroup đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/11 ở mức 54.300 đồng/cổ phiếu. Nếu so với thị giá ngày 11/3 (79.000 đồng/cổ phiếu), giá cổ phiếu VIC đã giảm khoảng 31,3%. Còn nếu so với mức đỉnh 110.000 đồng/cp trong tháng 8/2018, cổ phiếu này đã giảm gần nửa giá.
Xét về tỷ lệ giảm, giá trị tài sản của ông Trần Đình Long và ông Bùi Thành Nhơn giảm mạnh nhất so với hồi mới xếp hạng, với mức giảm lần lượt là 70% và 66%.
Theo đó, tài sản của ông Long giảm 2,2 tỷ USD còn tài sản của ông Nhơn giảm 1,9 tỷ USD. Tài sản của hai ông đều về dưới 1 tỷ USD. Trong đó, tài sản của 2 vị tỷ phú này giảm mạnh do diễn biến của giá cổ phiếu.
Với NVL - Cổ phiếu CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va, chốt phiên giao dịch 11/11, NVL giảm xuống còn 41.850 đồng, đánh dấu 7 phiên giảm sàn liên tục. So với đầu năm, mã NVL đã sụt mất 55%.
Cổ phiếu giảm sâu đã đẩy tài sản của tỷ phú Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT No Va Group - xuống dưới 1 tỷ USD và rớt khỏi danh sách tỷ phú USD do tạp chí Forbes bình chọn. Cụ thể, tính đến ngày 11/11, tài sản của ông Bùi Thành Nhơn chỉ còn 978,2 triệu USD. Tài sản của vị doanh nhân này đã bốc hơi gần 2 tỷ USD so với đầu tháng 4 - khi lần đầu tiên ông được Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới.
Với cổ phiếu HPG - Cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hòa Phát, cổ phiếu này bước vào xu hướng đi xuống kể từ tháng 3 năm nay trong bối cảnh giá thép liên tục giảm trong khi nguyên liệu đầu vào chính là than lại liên tục tăng giá. Trong quý 3, HPG đã báo lỗ lên đến 1.700 tỷ đồng nên càng ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu. Nếu so với đỉnh tháng 3, giá cổ phiếu HPG đã giảm gần 70%.
Hiện ông Trần Đình Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn. Tính cả tài sản của bà Vũ Thị Hiền – vợ ông Long và người thân thì gia đình ông Long sở hữu khoảng 2,03 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương gần 35% vốn điều lệ nhà sản xuất thép này.
Tính đến ngày 11/11, tài sản ông Trần Đình Long hiện chỉ còn 946 triệu USD. Đây là lần thứ hai tài sản của ông Trần Đình Long giảm xuống dưới 1 tỷ USD. Trước đó, tổng tài sản của chủ tịch Hòa Phát từng có thời gian xuống mức 1 tỷ USD vào năm 2018 và bị loại khỏi danh sách tỷ phú USD.
Với việc tài sản của ông Trần Đình Long giảm mạnh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo quay trở lại người giàu thứ 2 Việt Nam với 2 tỷ USD, giảm 1,1 tỷ USD so với thời điểm đầu năm. Mã VJC - CTCP Hàng không Vietjet không biến động mạnh so với thời điểm đầu năm, trong khi HDB - Ngân hàng Phát triển TP HCM giảm hơn 31%.
Trong số các tỷ phú USD, tài sản của ông Trần Bá Dương ít biến động nhất khi giảm 200 triệu USD, nguyên nhân được cho là do cổ phiếu công ty này chưa lên sàn chứng khoán. Tài sản của ông Dương qua các năm cũng thường không có nhiều biến động.
Trong khi đó, tài sản của hai tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh tuy giảm nhưng không phải là mức thấp nhất so với các tỷ phú khác trong danh sách.
Giá trị tài sản của Chủ tịch Techcombank, ông Hồ Hùng Anh xuống còn 1,4 tỷ USD trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngân hàng đã liên tục đi xuống, nhất là trong nửa đầu tháng 10. Hiện TCB - Cổ phiếu Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam đang ở mức 22.800 đồng, giảm 30% so với giữa tháng 9 và chỉ còn 50% so với đầu năm.
Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang có giá trị tài sản được ước tính còn 1,3 tỷ USD, mất đi 600 triệu USD so với đầu năm. Mã MSN - Cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan cũng giảm 30% chỉ trong vòng 1 tháng, về vùng giá 86.500 đồng/cổ phiếu.