Chiều 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo luật Đầu tư công (sửa đổi) được Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình trước Quốc hội vào sáng cùng ngày.
Vừa quản lý, vừa mở, kiến tạo, thúc đẩy phát triển
Phát biểu ý kiến tại Tổ 15, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các đề xuất chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật lần này đều đã trải qua quá trình tổng kết, rà soát và chọn lọc những vấn đề thực sự cấp bách, quan trọng nhất, đúng với tinh thần tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy phát triển; kịp thời thể chế hóa các quy định, chủ trương, quyết định của Đảng, Quốc hội. Đặc biệt là đổi mới tư duy từ “quản lý” sang “vừa quản lý, vừa mở, kiến tạo, thúc đẩy phát triển”.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp tổ chiều 29/10. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN |
“Có câu chuyện như thế này, tư duy làm luật của chúng ta đúng theo từng thời kỳ và rất là tốt. Nhưng bây giờ luật không theo kịp yêu cầu mới của phát triển, chứ nó không có lỗi gì cả... Chỉ là nó có nhiều điểm không còn phù hợp nữa thì chúng ta phải sửa lại để theo kịp yêu cầu. Phải làm sao để chúng ta vừa quản lý được nhưng vừa phải mở, kiến tạo cho phát triển; nhưng cũng phải có kiểm soát để tránh rủi ro và bất cập sau này,” Bộ trưởng KH&ĐT nêu rõ.
Theo Bộ trưởng, nếu Luật Đầu tư công sửa đổi được Quốc hội thông qua kỳ họp này thì sẽ kịp thời chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới (2026 - 2030), còn nếu chậm trễ thông qua thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
“Không phải vì vấn đề thời gian mà chúng ta bỏ qua chất lượng, nhưng cũng không vì chất lượng mà chúng ta lại làm quá chậm so với yêu cầu phát triển. Nếu thông qua được dự án luật tại kỳ họp 8 lần này thì đây sẽ là bước đột phá rất mạnh của Quốc hội khóa XV,” ông Dũng nhấn mạnh.
Tách bạch 3 khâu, tránh lộn xộn
Đối với các nội dung cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đề xuất chính sách tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án. Ông chỉ ra rằng vấn đề vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm.
“Theo quy định hiện hành, khi có quyết định đầu tư thì mới làm thủ tục giải phóng mặt bằng. Khi đó mới thực hiện các bước tiếp theo như đo đạc, kiểm đếm, định giá rồi tái định cư… mất rất nhiều thời gian,” ông Dũng nói. Ông đồng thời cho biết, trong dự thảo Luật sửa đổi, Chính phủ đã tách bạch 3 khâu trong quá trình thực hiện dự án gồm: chuẩn bị đầu tư (làm thủ tục), chuẩn bị thực hiện dự án (giải phóng mặt bằng) và thực hiện dự án (xây lắp).
“Nếu chúng ta tách bạch được 3 khâu, quy trách nhiệm cụ thể từng bước thì sẽ nhanh hơn. Giải phóng mặt bằng được tách ra và thực hiện sớm trước một đoạn. Khi bắt đầu xây lắp thì sẽ chỉ tiến hành xây lắp thôi. Còn hiện giờ chúng ta để lộn xộn thì không phân biệt được lỗi do khâu nào, quy trách nhiệm cho ai,” ông Dũng giải thích, đồng thời khẳng định nếu làm được thì sẽ giảm 6-8 tháng cho mỗi dự án.
Quốc hội không thể ngồi xử lý từng dự án lắt nhắt
Về công tác phân cấp, phân quyền, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho hay, Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã thống nhất việc để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, tức là giao tối đa cho địa phương. Quốc hội sẽ phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển cho Chính phủ, Chính phủ giao các địa phương, HĐND sẽ giao cho UBND.
Đề cập đến việc một số đại biểu lo ngại hiệu quả của phân cấp vì năng lực cấp xã, cấp huyện hạn chế, Bộ trưởng khẳng định, việc phân cấp hay không phụ thuộc vào quyết định của cấp trên, nếu thấy năng lực chưa đủ thì sẽ không phân cấp, linh hoạt trong điều hành. Nếu cấp được phân công cảm thấy năng lực chưa đủ cũng có thể xin rút.
Liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu dự án phải chờ để “gom một mẻ” để trình Quốc hội thì sẽ khiến địa phương lỡ cơ hội.
“Quốc hội cũng không thể ngồi xử lý từng dự án lắt nhắt. Mà nếu không làm thì địa phương lại chờ và lỡ cơ hội,” ông Dũng nói, đồng thời cho rằng để Chính phủ quyết là linh hoạt nhất, nhưng Quốc hội vẫn kiểm soát được tổng ngân sách quốc gia.
Về đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng hiện nay lên 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết quy định về quy mô dự án quan trọng quốc gia là 10.000 tỷ đồng có từ năm 1997, nhưng vẫn chưa thay đổi sau 27 năm.
“Hiện tại chúng tôi đang rà soát lại thì tính ra có khoảng 30 dự án có quy mô vốn trên 30.000 tỷ đồng. Nếu là 30 dự án thì Quốc hội đã rất vất vả rồi. Nếu chúng ta càng hạ mức này xuống thì số lượng dự án mà Quốc hội quyết sẽ càng tăng lên. Đề nghị này xuất phát từ quy mô nền kinh tế, trượt giá, thực tiễn và cũng để đảm bảo luật có thể ổn định từ 5 - 10 năm,” ông nhấn mạnh.
Sửa Luật Đầu tư công: Bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ kết quả Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. |