
![]() |
Ảnh minh họa: Thảo Ngân - Mekong ASEAN. |
Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 17,6 triệu lượt (tăng 39% so với năm 2023 (YoY), khách nội địa đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% YoY, tổng thu du lịch ước đạt 840.000 tỷ đồng, tăng 24% YoY.
Riêng quý 1/2025, lượng khách quốc tế đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với quý 1/2024, góp phần khẳng định vị thế, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Năm 2025, để thực hiện mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch tăng trưởng 12 - 13% so với năm 2024, tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành như sau:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo; đổi mới nội dung, hình thức, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quảng bá du lịch; xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; huy động nguồn lực xã hội, phát huy vai trò truyền thông, thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch quy mô lớn, trung tâm mua sắm – giải trí tại các địa bàn trọng điểm.
Phối hợp với Bộ Ngoại giao phát huy vai trò các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong xúc tiến du lịch; khuyến khích doanh nghiệp mở văn phòng đại diện ở nước ngoài; báo cáo kết quả trong tháng 5/2025. Đồng thời, phối hợp triển khai chương trình kích cầu gắn với sản phẩm cụ thể, hoàn thành trong tháng 5/2025.
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển các loại hình du lịch mới như sức khỏe, sinh thái, nông nghiệp, nghỉ dưỡng, MICE; tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật gắn với công nghiệp giải trí; tăng cường liên kết vùng, gắn du lịch với xuất khẩu tại chỗ.
Thúc đẩy chuyển đổi số và xanh trong du lịch; phát triển du lịch thông minh, dịch vụ thân thiện môi trường, trải nghiệm gắn với di sản và sức khỏe. Khuyến khích thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt; báo cáo kết quả trong tháng 5/2025.
Về hạ tầng, đẩy mạnh kết nối giao thông, nâng cấp cảng hàng không, cảng biển, nhà ga tại các địa phương trọng điểm; báo cáo Thủ tướng trước tháng 6/2025. Đồng thời, tăng cường kết nối điểm đến và trung tâm đón khách; báo cáo trong tháng 8/2025.
Bộ cũng cần phối hợp địa phương quản lý điểm đến, kiểm soát sức chứa, bảo vệ môi trường;kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, xử lý nghiêm các vi phạm để tạo môi trường du lịch đồng bộ, an toàn.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất chính sách thị thực thuận lợi, linh hoạt cho khách du lịch, trong đó có miễn thị thực ngắn hạn, cải tiến thủ tục xét duyệt, ưu đãi cho các đối tượng đặc thù như nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ, vận động viên thể thao nổi tiếng thế giới, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, tỷ phú nhập cảnh vào Việt Nam vì mục đích du lịch; báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2025.
Các bộ, ngành triển khai các đề án hội nhập quốc tế, hợp tác nghiên cứu, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57-NQ/TW và 59-NQ/TW; nghiên cứu chính sách thuận lợi cho phát triển du lịch biên giới; báo cáo trong tháng 4/2025.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch hành động phù hợp thực tiễn địa phương, hoàn thành trước 15/4/2025; tăng cường quản lý điểm đến, tuyên truyền ứng xử văn minh, bảo đảm an toàn, niêm yết và bán đúng giá, chống lừa đảo, đeo bám du khách. Thiết lập đường dây nóng đa ngôn ngữ để tiếp nhận, xử lý phản ánh của du khách; yêu cầu các cơ sở ăn uống phải triển khai thanh toán điện tử, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép.
Các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ tại công điện; kịp thời báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trước ngày 30/4/2025 nếu có vấn đề chưa được xử lý.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại công điện này. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trước ngày 30/4/2025 nếu có vấn đề chưa được xử lý.
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại công điện này.