Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner. Ảnh: AP |
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Die Presse xuất bản ngày 8/6, khi được đề nghị bình luận về việc Mỹ, Pháp và Đức đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ của họ để thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner cho biết: “Một lằn ranh đỏ đã bị vượt qua”.
Khi được hỏi rằng Ukraine có cách nào khác để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga ở Kharkov hay không, bà Tanner nhấn mạnh rằng: “Với tư cách là một quốc gia trung lập về mặt quân sự, chúng tôi không phán xét về điều đó”.
Quan chức này cũng tuyên bố rằng ít nhất bà cũng “hài lòng khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã làm rõ rằng NATO sẽ không đưa quân tới Ukraine”. Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 6/6, khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối quân sự do Mỹ đứng đầu không có kế hoạch triển khai lực lượng mặt đất tới Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/6 tuyên bố rằng ông gần như sẵn sàng hoàn tất một liên minh quốc tế để chính thức cử các huấn luyện viên quân sự phương Tây đến hỗ trợ huấn luyện quân đội ở Ukraine.
“Chúng tôi không ở trong cuộc chiến với Nga. Chúng tôi không muốn leo thang, nhưng chúng tôi muốn làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp Ukraine kháng cự. Đây có phải là một sự leo thang nếu Ukraine yêu cầu chúng tôi huấn luyện binh sĩ trên lãnh thổ của mình? Không, điều đó không có nghĩa là chúng tôi triển khai binh lính châu Âu hoặc đồng minh ở trên tiền tuyến,” ông Macron nói.
Theo AFP, Pháp không chính thức có quân nhân hỗ trợ hoặc huấn luyện lực lượng Ukraine ở Ukraine. Vào cuộc họp với hơn 20 nước vào cuối tháng 2, Tổng thống Macron đã lần đầu tiên đưa ra bình luận về khả năng phương Tây triển khai quân tới Ukraine. Tuy nhiên, NATO và nhiều đồng minh lớn trong khối như Mỹ, Anh, Đức phải lên tiếng bác bỏ.
Điện Kremlin đã lên tiếng chỉ trích bình luận của ông Macron, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ từ “có thể” mà trở thành “không thể tránh khỏi” nếu các quốc gia thành viên trong khối quân sự do Mỹ đứng đầu gửi quân tới Ukraine.
Bên cạnh đó, vấn đề cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa cũng trở thành chủ đề nóng tại nội bộ các nước phương Tây trong những tuần gần đây. Mỹ và một số quốc gia châu Âu gồm Anh, Hà Lan, Thụy Điển, các nước vùng Baltic, Phần Lan, Đan Mạch, Pháp cũng đã lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách vũ khí đối với Ukraine.
Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và NATO về những hậu quả thảm khốc nếu phương Tây cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các thành viên NATO ở châu Âu đang “đùa với lửa” nếu để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ từ phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Putin nhấn mạnh rằng động thái này có thể gây ra xung đột toàn cầu. Nhà lãnh đạo Nga cũng tuyên bố rằng Moscow có thể sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có, bao gồm cả vũ khí hạt nhân để tự vệ nếu chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa.