Người đàn ông tự nhận là James Scott Rhys Anderson, cựu quân nhân Anh, bị Nga bắt giữ tại vùng Kursk khi đang chiến đấu cùng quân đội Ukraine. Ảnh: Telegram/rian_ru |
Các báo cáo công bố ngày 24/11 của các hãng thông tấn RIA và TASS cho biết lực lượng vũ trang Nga đã bắt giữ một người đàn ông tự nhận là James Scott Rhys Anderson, quốc tịch Anh, ở gần làng Plekhovo, vùng Kursk. Có nhiều video được cho là quay lại quá trình thẩm vấn người này đã được đăng tải trên các kênh Telegram của Nga.
Cụ thể, Anderson cho biết đã phục vụ trong quân đội Anh với tư cách là lính tín hiệu trong Lữ đoàn Tín hiệu số 1, Trung đoàn Tín hiệu số 22, Phi đội 252 từ năm 2019 đến năm 2023. Sau khi rời quân ngũ, người này được cho là đã gặp khó khăn về tài chính và quyết định gia nhập Quân đoàn Quốc tế Kiev sau khi xem một quảng cáo trên truyền hình.
Người này cho biết mình đã nộp đơn trực tuyến để gia nhập lực lượng lính đánh thuê nước ngoài của Ukraine, sau đó bay từ London đến Krakow, Ba Lan, trước khi đi xe bus đến Medyka ở biên giới Ukraine. Khi được hỏi tại sao lại chiến đấu trên đất Nga, Anderson tuyên bố trong một video khác rằng các chỉ huy của anh ta đã cử anh ta đến khu vực này trái với ý muốn.
Hãng tin RT dẫn lời người này trong video cho biết: "Tôi không muốn ở đây". Người này cũng đồng thời khẳng định đã bị các chỉ huy lấy mất "đồ đạc" bao gồm cả hộ chiếu và điện thoại thông minh và bị bắt "lên xe".
Hiện Bộ Quốc phòng Anh vẫn chưa đưa ra tuyên bố về vụ bắt giữ cựu quân nhân này. Trong khi đó, tờ The Guardian cho biết Bộ Ngoại giao Anh đang "hỗ trợ gia đình của một người đàn ông Anh sau khi có báo cáo về việc anh ta bị giam giữ” mà không công bố thêm chi tiết nào khác.
Kể từ tháng 8, quân đội Ukraine đã triển khai binh sĩ qua biên giới phía bắc của mình và tấn công khu vực Kursk của Nga với hy vọng làm chậm bước tiến của nước này ở những nơi khác trên tiền tuyến. Tuy nhiên, quân đội Nga được cho là đã đạt được những bước tiến nhất định. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine đã phải chịu hơn 34.500 thương vong và mất hàng trăm xe tăng ở Kursk.
Trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn, tình hình đàm phán giữa hai nước không có dấu hiệu khởi sắc. Nga cáo buộc việc Ukraine tấn công vùng Kursk là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc xung đột vũ trang, đồng thời tuyên bố rằng không thể có cuộc đàm phán hòa bình nào cho đến khi toàn bộ quân đội Ukraine bị đẩy khỏi khu vực Kursk.
Việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS và Storm Shadow của Mỹ và Anh tấn công vào sâu lãnh thổ Nga càng khiến tình hình thêm căng thẳng hơn nữa. Trong một cuộc tấn công đáp trả, Nga đã không kích khu vực Dnipro của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik được Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định là không để đáp trả và có vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh.
Trong một bài phát biểu trước truyền hình ngày 21/11, Tổng thống Putin tuyên bố Moscow hoàn toàn có quyền tấn công cơ sở quân sự của các quốc gia cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ trên lãnh thổ nước Nga. Ông cũng nhấn mạnh rằng Nga luôn sẵn sàng ủng hộ một giải pháp hòa bình và giải quyết mọi vấn đề gây tranh cãi, nhưng “chúng tôi cũng sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến nào, đừng bao giờ nghi ngờ điều đó”.