Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý 2/2024, số dư nợ xấu của 29 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank) tiếp tục tăng so với quý 1/2024 và cuối năm 2023.
Xét về số dư nợ xấu, với 27/29 ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu tăng lên, sau 6 tháng đầu năm, số dư nợ xấu các ngân hàng nói trên đã tăng thêm tổng cộng 46.719 tỷ đồng hay 20,8% so với cuối năm 2023.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HoSE: VPB) có tổng nợ xấu là 31.712 tỷ đồng cuối quý 2/2024, tăng 11,6% so với cuối năm trước.
Trong khi đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng nhẹ 0,35 lên 12.114 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 7,7% lên 12.909 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của VPBank đã tăng từ 5,02% lên 5,08%.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản VPBank ghi nhận ở mức gần 864.392 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 624.277 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm ngoái.
Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) ghi nhận tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6 là 29.274 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm.
Trong khi nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng lần lượt 75% và 17% thì điểm tích cực là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 17% xuống còn 15.885 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu tại Agribank giảm từ 1,85% vào cuối năm ngoái xuống 1,84%.
Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 2,07 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,9% lên hơn 1,56 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) ghi nhận tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6 là 28.687 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Trong đó, tăng mạnh nhất ở nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) với hơn 7.133 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ. Từ đó kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,26% đầu năm lên mức 1,52%.
Tại ngày 30/6/2024, tổng giá trị tài sản của BIDV tăng hơn 221.000 tỷ đồng (tăng gần 10% so với đầu năm), lên 2,52 triệu tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, khoản cho vay khách hàng tăng mạnh nhất với hơn 105.000 tỷ đồng. Tiền, vàng gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng gần 60.000 tỷ đồng; chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán tăng 22.000 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng 23.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – HoSE: CTG) ghi nhận số dư nợ xấu của VietinBank tăng 8.038 tỷ đồng, tương đương mức tăng 48,4% lên 24.646 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 2,85 lần, lên 13.456 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn giảm 17% xuống còn 7.845 tỷ đồng; và nợ dưới tiêu chuẩn tăng 33% lên 3.344 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đã tăng từ 1,12% đầu năm lên 1,56%.
Trong kỳ, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 1,571 triệu tỷ đồng, tăng 6,66% so với đầu năm, trong đó, khoảng 66% tổng dư nợ là các khoản cho vay ngắn hạn, khoảng 28% là cho vay dài hạn, phần còn lại là nợ trung hạn.
Trái ngược với xu hướng tăng, sau 6 tháng đầu năm 2024, có hai ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu giảm là SHB và PG Bank. Trong đó, số dư nợ xấu của SHB giảm 362 tỷ đồng, tương đương 2,7% so với đầu năm xuống còn 12.877 tỷ đồng. Nợ xấu của PG Bank giảm 50 tỷ đồng, tương đương 5% so với đầu năm xuống còn 958 tỷ đồng.
Xét về tỷ lệ nợ xấu, tính đến cuối quý 2/2024, có 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao nhất hệ thống tính đến quý 2/2024. Đây cũng là ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh nhất là ngân hàng NCB với mức tăng 5,52% từ 29,76% thời điểm đầu năm lên 35,28% cuối quý 2/2024. Theo đó, số dư nợ xấu của NCB thời điểm 30/6/2024 là 22.648 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính là do ngân hàng này đã quyết liệt triển khai việc phân loại lại tài sản có theo phương án cơ cấu lại (PACCL), ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước xem xét cho ý kiến và cấp có thẩm quyền phê duyệt tháng 6 vừa qua. NCB cũng từng bước triển khai theo lộ trình tái cơ cấu được được phê duyệt theo đúng quy định, hướng tới mục tiêu hoạt động hiệu quả và bền vững.
Một số ngân hàng khác ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng trên mức 3% như: MSB (3,08%); OCB (3,12%); VietBank (3,34%); ABBank (3,55%); VIB (3,67%); BVBank (3,77%); BaoViet Bank (4,79%); VPBank (5,08%).
Xét về tốc độ tăng tỷ lệ nợ xấu, sau 2 quý đầu năm, ngoài mức tăng trên 5% của NCB, các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Ở chiều ngược lại, so với cuối năm ngoái, có 5 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm là Agribank (giảm 0,01 điểm %), Eximbank (giảm 0,01 điểm %). SeABank (giảm 0,03 điểm %), SHB (giảm 0,23 điểm %) và PGBank (giảm 0,24 điểm %).
Tích cực gia cố bộ đệm dự phòng rủi ro
Ứng phó với xu hướng nợ xấu, nhiều ngân hàng tăng cường dự phòng rủi ro bất chấp lợi nhuận sụt giảm. Theo số liệu từ báo cáo tài chính, quý 2/2024, VietinBank tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 21% lên 7.817 tỷ đồng, do đó chỉ còn 6.750 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 3% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietinbank lãi trước thuế hơn 12.960 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
Trong quý 2/2024, BIDV cũng trích 5.358 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 36% so với cùng kỳ, BIDV vẫn lãi trước thuế gần 8.159 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế gần 15.549 tỷ đồng, tăng 12%.
6 tháng đầu năm 2024, chi phí dự phòng của Techcombank ghi nhận ở mức 2.855 tỷ đồng, tăng 112,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc 6 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6% so cùng kỳ.
Tương tự, Agribank cũng tăng 25% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2024, trích lập đến 11.048 tỷ đồng, do đó lãi trước thuế sau 2 quý đầu năm chỉ còn 13.269 tỷ đồng, giảm 2% so vời cùng kỳ năm trước.