Màu xanh bao phủ thị trường trong phiên 23/5. |
Sau phiên giảm điểm ngày hôm qua, thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch 23/5 một cách khác thận trọng. Các chỉ số chính giằng co mạnh quanh tham chiếu, số mã tăng cân bằng với số mã giảm, thể hiện việc thị trường vẫn còn khá lưỡng lự khi chi tiền.
Một vài điểm nhấn đáng chú ý như cổ phiếu PLX của Petrolimex tăng kịch biên độ lên 40.300 đồng/CP, thanh khoản đạt hơn 4 triệu đơn vị chỉ sau 1 tiếng giao dịch, góp phần đỡ thị trường. Nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ ở mảng bất động sản như HDG, PC1, QCG cũng có đà tăng tích cực với biên độ trên 3%.
Tuy nhiên giao dịch phiên sáng vẫn ở trong trạng thái ảm đạm, bên mua thăm dò bên bán. Chốt phiên sáng, sàn HoSE có 149 mã tăng và 265 mã giảm, chỉ số chính VN-Index giảm 2,56 điểm xuống còn 1.264 điểm.
Diễn biến đảo ngược hoàn toàn trong phiên chiều, với xu hướng tăng duy trì xuyên suốt cho đến cuối phiên. Chỉ trong 1 tiếng cuối phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng hơn 14 điểm, đi từ tham chiếu lên đỉnh ngày là 1.281 điểm.
Độ rộng thị trường cũng nghiêng hẳn bên mua, với 278 mã tăng so với 152 mã giảm, 65 mã tham chiếu. Thanh khoản sàn HoSE đạt 968 triệu đơn vị, tương đương 23.314 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 17% so với phiên 22/5.
Tích cực hơn cả trong phiên là cổ phiếu ngành chứng khoán. Sau nhịp điều chỉnh, nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán quay đầu tăng điểm tích cực dù dành phần lớn thời gian giao dịch dưới tham chiếu. Đơn cử như BVS tăng 8,7% dù từng có thời điểm giảm 2,3%, APS từng giảm tới 8% cũng quay đầu tăng 1,3% trong phiên chiều.
Nhiều ông lớn trong ngành như VIX (1,1%), CTS (0,9%), SSI (0,7%), SHS (0,5%) cũng quay đầu tăng điểm tích cực. Ở chiều ngược lại, vẫn có nhiều mã giảm đáng chú ý như VFS (-1,1%), ABW (-1,9%), VND (-3,3%)…
Tương tự, nhóm ngân hàng, đầu phiên giao dịch không mấy tích cực, thì đến cuối phiên cũng đã lấy lại được sắc xanh, có thể kể đến như STB (2%), HDB (1,4%), NVB (1%), VPB (1,1%)… Các cổ phiếu ngân hàng tăng giá trước đó vẫn duy trì ổn định phong độ như EIB (1,6%) và ACB (1,8%). Ở chiều ngược lại, BID là cổ phiếu đi ngược dòng giảm 0,6%.