Nhu cầu vốn tín dụng trong thị trường chưa cao
Tại "Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024" ngày 20/2, lý giải về tình trạng tín dụng đã giảm 0,6% trong tháng 1/2024, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, việc giảm tín dụng trong những tháng đầu năm chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn kém.
Tại Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank thông tin, đến hết tháng 1/2024 tín dụng ngân hàng này đạt 1,24 triệu tỷ đồng (so với cuối năm 2023, giảm 2,3% tương ứng 30.000 tỷ).
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, tín dụng giảm là do xu hướng giảm ngân tiêu dùng bất động sản giảm, kinh tế khó khăn, sản xuất cũng gặp khó, thị trường bất động sản trầm lắng, dự án cấp phép năm 2023 ít... Ngoài ra, tín dụng bán buôn chiếm 70% dự nợ tín dụng của Vietcombank cũng đang gặp khó bởi vấn đề pháp lý.
Trong khi đó, ông Trần Long - Phó Tổng giám đốc BIDV cũng chia sẻ, tổng dư nợ của ngân hàng hết tháng 1 đạt 1,725 tỷ đồng, giảm 1,25% so với cuối năm 2023.
BIDV vẫn cấp vốn tín dụng tập trung các lĩnh vực ưu tiên, cho vay nông thôn chiếm 23%, doanh nghiệp nhỏ 25%, ứng dụng cao tăng trưởng 8%... Với bất động sản, dư nợ chiếm 19%, tập trung với tín dụng tiêu dùng 77% còn với doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 22% chủ yếu cho vay dự án phát triển khu công nghiệp, chế xuất, khu đô thị.
Theo ông Long, tiếp đà giảm lãi suất năm 2023, lãi suất cho vay hiện giảm 0,25% cuối năm 2023, lãi suất bình quân 7,3% toàn hệ thống, ngắn hạn 6,7%, giảm tương đối sâu so với đầu năm 2023 và giữa năm 2023.
"Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn năm 2024 còn chậm và thách thức. Bởi lẽ, các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm. Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh, trong khi thị trường đầu ra chưa được khơi thông", ông Long đánh giá.
Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Long lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm trong tháng đầu năm 2024. |
Ngoài nguyên nhân khách quan, lãnh đạo BIDV cũng nói thêm về nguyên nhân chủ quan khiến tín dụng đi lùi là do nhiều doanh nghiệp có khả năng quản trị thấp, sức khỏe yếu, có sự đan xen các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất, dẫn tới nhiều khó khăn trong đánh giá và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này còn khó.
Hay như một tình trạng khác là doanh nghiệp đã vay của nhiều tổ chức tín dụng khác nhau, khi một doanh nghiệp đã được 4 ngân hàng có vốn Nhà nước cho vay thì các ngân hàng cổ phần nhỏ cũng cho vay mà không cần thế chấp hay có các biện pháp bảo đảm. Vì vậy, việc quản lý dòng tiền, hạn mức, quản lý khoản phải thu của các tổ chức tín dụng khó khăn.
Về phía ngân hàng VPBank, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinhcho hay, hiện lãi suất cho vay đã giảm, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao. Do đó, lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay trong bối cảnh hiện nay mà chủ yếu là làm thế nào để kích cầu được sức mua. Mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.
Cùng đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB cũng chia sẻ, ngân hàng này đang giảm nhẹ dư nợ tín dụng từ đầu năm do nguồn cầu của thị trường yếu, hấp thụ kém.
Đề xuất kiến nghị cho hoạt động tín dụng năm 2024
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024, đại diện các ngân hàng cho rằng, khả năng hấp thụ vốn sẽ tăng chậm. Nguyên nhân do tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp vẫn đang suy giảm, khả năng chống chịu kém.
Trong khi đó, áp lực nợ xấu đối với các ngân hàng trong năm 2024 là rất lớn; bộ đệm dự phòng rủi ro nợ xấu đang mỏng đi nên các ngân hàng sẽ thận trọng trong việc cấp tín dụng.
Đại diện BIDV bày tỏ mong muốn, NHNN sẽ hướng dẫn các thức công bố, cũng như định kỳ thời gian công bố mức lãi suất để các tổ chức tín dụng cập nhật kịp thời. Đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý để hỗ trợ ngân hàng trong việc cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tìm kiếm môi trường kinh doanh mới.
Tăng vốn tự có từ đó tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng. BIDV cũng kiến nghị, Chính phủ tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận để lại của Ngân hàng Nhà nước theo chỉ thị 43 của Quốc hội, tháo gỡ khó khăn của dự án BOT. Xem xét chỉ đạo các Bộ Ngành Địa phương thực hiện các cam kết đã ký với tổ chức tín dụng và nhà đầu tư từ đó tạo ra niềm tin tiếp tục tham gia tài trợ cho các dự án của địa phương.
Toàn cảnh hội nghị. |
Các ngân hàng cũng đề xuất, các bộ ngành và các địa phương có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tiếp tục có các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đa dạng hóa nguồn cung - đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng cũng như toàn nền kinh tế. Trên cơ sở hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN giao, các ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.