Các quốc đảo Thái Bình Dương kêu gọi Nhật hoãn xả nước từ nhà máy Fukushima

môi trường Thái Bình Dương
18:56 - 18/01/2023
Majuro Atoll - thủ đô và thành phố lớn nhất của Cộng hòa Quần đảo Marshall. Ảnh: AP
Majuro Atoll - thủ đô và thành phố lớn nhất của Cộng hòa Quần đảo Marshall. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ngày 18/1, các quốc gia trong khu vực đang kêu gọi Nhật Bản trì hoãn việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển, do lo ngại nghề đánh bắt cá bị ảnh hưởng.

"PIF kiên định rằng sẽ không có vụ xả nước thải nào cho đến khi tất cả các bên khẳng định hoạt động này là an toàn. Chúng ta phải ngăn chặn hành động dẫn đến những nguy cơ về một thảm họa ô nhiễm hạt nhân lớn khác", Tổng thư ký PIF Henry Puna tuyên bố tại diễn đàn ở Suva, Fiji, theo Reuters.

PIF - một khối gồm 17 quốc đảo Thái Bình Dương, lập luận rằng việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển có thể có tác động lớn đến ngư trường mà các nền kinh tế trong khu vực phụ thuộc. Đây cũng là nơi cung cấp tới 50% số cá ngừ trên thế giới.

Nhà khoa học Ken Buesseler thuộc Viện Hải dương học Woods Hole cho biết một hội đồng chuyên gia khoa học của PIF đang thúc giục Nhật Bản xem xét lại kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân, vì cho rằng cần thêm thông tin và dữ liệu.

Ảnh chụp máy đo bức xạ Geiger Muller tại gần tòa nhà chứa lò phản ứng số 3 bị hư hại của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, tháng 3/2021. Ảnh: Reuters
Ảnh chụp máy đo bức xạ Geiger Muller tại gần tòa nhà chứa lò phản ứng số 3 bị hư hại của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, tháng 3/2021. Ảnh: Reuters

"Chất phóng xạ có thể di chuyển khắp đại dương theo dòng hải lưu và thủy triều. Đồng thời, nó có thể gây ô nhiễm môi trường sống của cá", ông nói.

Lời kêu gọi của PIF được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản tuần trước thông báo nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 có thể sẽ bắt đầu xả ra biển nước thải có chứa chất phóng xạ đã qua xử lý ra biển "vào khoảng mùa xuân hoặc mùa hè năm nay".

Điều này làm dấy lên lo ngại từ các quốc đảo - những nơi vẫn đang vật lộn với những hậu quả từ các vụ thử hạt nhân cách đây nhiều thập kỷ.

Nhật Bản đã phê duyệt việc xả hơn 1 triệu tấn nước thải từ khu vực này ra đại dương trong tương lai sau khi xử lý các chất độc hại vào tháng 4/2021.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng từng cho biết, các cơ quan quản lý nước này khẳng định việc xả nước thải là an toàn, nước sẽ được lọc để loại bỏ hầu hết các đồng vị, tuy nhiên vẫn chứa dấu vết của tritium - một đồng vị hydro khó tách khỏi nước.

Trong giai đoạn 1940-1950, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân ở các đảo Thái Bình Dương. Cho đến nay, Cộng hòa Quần đảo Marshall vẫn tiếp tục vận động Mỹ bồi thường nhiều hơn về những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và môi trường tại đây.

Pháp đã tiến hành thử nghiệm nguyên tử từ năm 1966 - 1996 tại đảo san hô Mururoa thuộc lãnh thổ Thái Bình Dương của Pháp.

Đọc tiếp