Các tuyên bố về môi trường phải có bằng chứng: EU sẽ cấm các hành vi 'tẩy xanh'

môi trường Net Zero
08:03 - 28/09/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Nghị viện và Hội đồng châu Âu vừa đạt được thỏa thuận tạm thời về các quy định mới cấm quảng cáo gây hiểu lầm và cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm tốt hơn giá trị vốn có của nó.

Theo thông cáo báo chí phát đi từ Nghị viện châu Âu, những tuyên bố chung chung về môi trường và các thủ đoạn tiếp thị hàng hóa gây hiểu lầm sẽ bị cấm nhằm đưa châu Âu hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, giúp người dân sáng suốt lựa chọn sản phẩm tiêu dùng bền vững.

Thỏa thuận này cập nhật những hoạt động thương mại đang bị EU cấm và bổ sung một số thói quen tiếp thị có vấn đề liên quan đến “tẩy xanh” và tuổi thọ ngắn của hàng hóa.

Tẩy xanh (greenwashing) là việc một công ty hoặc tổ chức đưa ra những tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm về những lợi ích môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Lỗi thời sớm của hàng hóa (early obsolescence) là việc các nhà sản xuất cố tình thiết kế sản phẩm có tuổi thọ ngắn để người tiêu dùng phải mua sản phẩm mới thường xuyên hơn.

NHỮNG HÀNH VI SẼ BỊ CẤM BAO GỒM

- Các tuyên bố chung chung về môi trường, ví dụ như “thân thiện với môi trường”, “tự nhiên”, “có thể phân hủy sinh học”, “trung tính về khí hậu” hoặc “sinh thái” mà không có bằng chứng về hiệu quả môi trường xuất sắc được công nhận liên quan đến tuyên bố.

- Các thông tin thương mại về hàng hóa có tính năng hạn chế độ bền, nếu có thông tin về tính năng này và tác động ảnh hưởng của nó đến độ bền.

- Các tuyên bố dựa trên cơ chế bù đắp lượng khí thải rằng sản phẩm có tác động trung tính, giảm thiểu hoặc tích cực đến môi trường.

- Các nhãn dán bền vững không dựa trên các chương trình chứng nhận đã được phê duyệt hoặc do cơ quan công quyền thiết lập.

- Các tuyên bố độ bền về thời gian hoặc cường độ sử dụng trong điều kiện bình thường, nếu chưa được chứng minh.

- Nhắc nhở người tiêu dùng thay thế các vật tư tiêu hao, chẳng hạn như hộp mực máy in, sớm hơn mức thực sự cần thiết.

- Giới thiệu các bản cập nhật phần mềm là cần thiết ngay cả khi chúng chỉ nâng cao các tính năng chức năng.

- Trình bày hàng hóa là có thể sửa chữa được trong khi thực tế không phải vậy.

Ngoài ra, các thành viên Nghị viện châu Âu khẳng định việc cung cấp thông tin bảo hành cần rõ ràng hơn, vì nhiều người không biết rằng tất cả hàng hóa đều được bảo hành ít nhất 2 năm ở EU. Ủy ban cũng được giao nhiệm vụ thiết kế nhãn mới cho các nhà sản xuất muốn làm nổi bật chất lượng hàng hóa của họ bằng cách kéo dài thời gian bảo hành miễn phí.

Báo cáo viên của Nghị viện châu Âu Biljana Borzan (S&D, HR) cho biết: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận tuyệt vời cho người tiêu dùng. 60% người tiêu dùng châu Âu thậm chí không biết rằng tất cả các sản phẩm đều có bảo hành hợp pháp.

Ngoài ra, nhãn bảo hành mới sẽ hiển thị rõ ràng sản phẩm nào có thời hạn sử dụng lâu hơn, vì vậy sẽ dễ dàng mua các sản phẩm bền hơn. Chúng ta không nên quảng cáo những sản phẩm tiêu dùng nhanh. Ngoài ra, chúng tôi đang giải quyết sự hỗn loạn của các tuyên bố về môi trường, vốn hiện nay sẽ phải được chứng minh, và các tuyên bố dựa trên việc bù đắp lượng khí thải sẽ bị cấm”.

Để trở thành luật, thỏa thuận tạm thời này sẽ phải nhận được sự đồng ý cuối cùng từ cả Nghị viện và Hội đồng châu Âu. Cuộc bỏ phiếu của các thành viên Nghị viện dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây. Khi chỉ thị có hiệu lực, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ có 24 tháng để đưa các quy định mới vào luật của mình.

Người tiêu dùng châu Âu bị lạc trong "ma trận" các tuyên bố xanh

Trong một tài liệu mới đây đăng trên trang web của Hiệp hội người tiêu dùng châu Âu (BEUC), bà Ursula Pachl - Phó Tổng Giám đốc Tổ chức BEUC cũng đưa ra nhận định: “Các tuyên bố chung chung về môi trường đang xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ thực phẩm đến dệt may. Người tiêu dùng cuối cùng bị lạc trong một ma trận các tuyên bố xanh mà không biết tuyên bố nào đáng tin cậy.

Ảnh tác giả Bà Ursula Pachl,
Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC)

Theo quy định mới, các công ty sẽ phải giải thích lý do tại sao một sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này rất quan trọng nếu chúng ta muốn hướng dẫn người tiêu dùng đưa ra lựa chọn tiêu dùng bền vững hơn”.

Bà Ursula Pachl cho rằng, điều quan trọng là người tiêu dùng được thông báo về tuổi thọ dự kiến ​​của một máy giặt hoặc TV, rõ ràng hơn về bảo hành sản phẩm. Các quy tắc mới có thể khiến các sản phẩm bền vững hơn cạnh tranh hơn và khuyến khích người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng, thay vì số lượng.

“Các tuyên bố trung tính về carbon là tẩy xanh… Sự thật là những tuyên bố này không chính xác về mặt khoa học và không bao giờ nên được sử dụng”, Phó Tổng Giám đốc BEUC nhấn mạnh.

Tổ chức Người tiêu dùng Châu Âu (BEUC) bao gồm 45 tổ chức Người tiêu dùng độc lập từ 31 quốc gia, được thành lập vào năm 1962 và có trụ sở chính tại Brussels, Bỉ. Sứ mệnh của BEUC là đại diện cho người tiêu dùng châu Âu và bảo vệ lợi ích của họ ở cấp EU.

BEUC hoạt động trong một loạt các vấn đề liên quan đến người tiêu dùng, bao gồm an toàn thực phẩm, an toàn sản phẩm, dịch vụ tài chính, năng lượng, quyền kỹ thuật số và bảo vệ môi trường. Tổ chức cũng vận động cho các thị trường công bằng và minh bạch, và để người tiêu dùng được tham gia vào quá trình ra quyết định của EU.

Khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu

Ảnh tác giả Ông Nguyễn Đình Quyền
Giám đốc Điều hành - Chuyên gia Tư vấn về Khung Báo cáo ESG, LCA, EDP, Lộ trình trung hoà và Netzero carbon

Chia sẻ quan điểm về thỏa thuận quy định tạm thời này của EU, ông Nguyễn Đình Quyền, Giám đốc Điều hành - Chuyên gia Tư vấn về Khung Báo cáo ESG, LCA, EDP, Lộ trình trung hoà và Netzero carbon, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam tuyên bố bù đắp phát thải khí nhà kính, tiến tới “trung hòa carbon” bằng giải pháp trồng cây nên thận trọng.

Ông Quyền cho biết: “Việc sử dụng các phép tính đơn giản để tìm ra lượng carbon được cô lập bởi một cây riêng lẻ trong vòng đời của nó, rồi tuyên bố rằng đó là sự bù đắp cho lượng khí thải đã tạo ra, là không đủ để được gọi là “trung hoà”.

Ngoài việc thiếu xác minh đối với phương pháp tính toán được công nhận, cây cối có thể mất nhiều năm trước khi chúng bắt đầu hấp thu carbon với số lượng đáng kể và chúng không hấp thụ carbon với tốc độ tuyến tính trong suốt cuộc đời của chúng.

Hơn nữa, việc tạo ra khí thải ngay bây giờ và tuyên bố rằng một lượng hấp thụ tương đương của cây cối sẽ diễn ra – thường là nhiều năm trong tương lai – không có tác dụng trung hoà và điều đó sẽ được coi là hành động “tẩy xanh”.

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, hiện rất nhiều tổ chức quảng cáo về việc trồng cây đơn giản để cân bằng lượng khí thải. Điều này không nên được coi là “trung hoà” (trừ khi dự án đã được cấp tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn carbon có uy tín) và không thể đưa ra yêu cầu về tính bù trừ carbon hoặc Net Zero.

Các dự án trồng rừng có thể được xác minh theo các tiêu chuẩn carbon có uy tín như Woodland Carbon Code – nhưng đây là một quá trình khó khăn và mất nhiều năm. Ví dụ, trong trường hợp Woodland Carbon Code, những cây trồng ngày nay được cấp "Đơn vị cấp phát đang chờ xử lý" (PIU) và sẽ không đủ điều kiện để sử dụng làm khoản bù đắp đã được xác minh. Việc được chuyển đổi thành "Carbon Woodland Unit" (WCU) mất ít nhất 5-10 năm” (trong điều kiện cây trồng thuận lợi phát triển mà không bị chết trong thời gian đó).

Do đó, ông Quyền khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu phải áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ ngày 01/10/2023 nên cân nhắc thận trọng để “tránh phải làm lại trung hoà carbon - carbon neutral từ đầu”.

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của Cơ chế CBAM của Liên minh châu Âu, mặc dù các nhà nhập khẩu của châu Âu là đối tượng chịu trách nhiệm báo cáo và chịu phí CBAM nhưng để có thông tin báo cáo, họ sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất của Việt Nam thông tin về lượng sản phẩm, lượng phát thải trong sản phẩm, lượng phát thải để có nguyên liệu làm ra sản phẩm đó, chi phí trả cho định giá carbon trong nước...

Hiện Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Dù hiện tại phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không thuộc các nhóm này nhưng phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai.

Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất trong những ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, xi măng, phân bón… xuất khẩu sang thị trường EU, là đối tượng chịu tác động và điều chỉnh trực tiếp của cơ chế CBAM, nên có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU.

Ngoài ra, chuyên gia của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của Cơ chế CBAM cũng cho rằng, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản… có thể cũng sẽ áp dụng CBAM.

Trước mắt các doanh nghiệp cần xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất của mình.

Quá trình các doanh nghiệp tính toán lượng khí thải carbon được gọi là kế toán carbon và có các tiêu chuẩn nghiêm ngặt được áp dụng, chẳng hạn như Nghị định thư khí nhà kính bảo đảm việc này được thực hiện toàn diện và thực chất. Các tiêu chuẩn này đảm bảo rằng các tuyên bố xanh (như tuyên bố về trung hoà carbon hoặc netzero) do doanh nghiệp đưa ra là cần minh bạch và có tác động đáng kể.

Trung hòa carbon là trạng thái mà lượng khí thải carbon dioxide (CO2) do một tổ chức, hoạt động hay sản phẩm thải ra bằng với lượng CO2 được loại bỏ khỏi khí quyển.

Có hai cách chính để đạt được trung hòa carbon, đó là giảm thiểu lượng khí thải thông qua các biện pháp như sử dụng năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, và bù đắp lượng khí thải thông qua các dự án như tái trồng rừng, đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc mua tín chỉ carbon.

Tin liên quan

Đọc tiếp