'Cầm cương' chính sách tài chính năm 2023

'Cầm cương' chính sách tài chính năm 2023

TÀI CHÍNH Việt nAM
08:00 - 23/01/2023
Chính sách tài khóa là công cụ quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ năm 2023 là tập trung ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đảm bảo thị trường vốn phát triển an toàn, minh bạch. 

Đây là những chia sẻ của Bộ Trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc với Mekong ASEAN trong cuộc phỏng vấn nhân dịp đầu Xuân Quý Mão.

Mekong ASEAN: Nhìn lại năm 2022, về tổng quan các mặt công tác như quản lý giá, quản lý nợ công, quản lý thị trường tài chính… được ngành tài chính triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, xin Bộ trưởng chia sẻ cảm nhận của mình?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng lớn của Covid-19. Cùng với đó là các vấn đề về địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, rủi ro an ninh năng lượng… Trong điều kiện khó khăn như vậy, ngành tài chính vẫn có nhiều điểm sáng về kết quả triển khai nhiệm vụ trong năm vừa qua.

Đối với công tác quản lý giá, trong bối cảnh diễn biến lạm phát thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, đồng bộ trong quản lý, điều hành để bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần đảm bảo đời sống người dân.

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các Bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cũng như thường xuyên cập nhật theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Các chính sách kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ, trong đó các chính sách về thuế cũng được sửa đổi kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay, xăng dầu...

Kết quả, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát, CPI bình quân 11 tháng đầu năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,38%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát cơ bản hoàn thành.

Đối với công tác quản lý nợ công, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý, huy động và trả nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2022 bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn. Đến cuối năm 2022, dự kiến dư nợ công khoảng 40,9% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 37,5% GDP. Đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa, tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô. Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.

Bộ Tài chính cũng đã triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, thể hiện qua việc hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam liên tục được các tổ chức nâng hạng, thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam.

Mekong ASEAN: Điều gì làm Bộ trưởng thấy hài lòng nhất về công tác xây dựng chính sách, gỡ khó cho doanh nghiệp, khơi thông nội lực nền kinh tế trong năm qua. Và nếu còn điều gì trăn trở, xin Bộ trưởng chia sẻ suy nghĩ của mình?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Khó để nói bản thân hài lòng về chính sách cụ thể nào, nhưng trong điều kiện khó khăn, ngành Tài chính vẫn có nhiều điểm sáng về kết quả triển khai nhiệm vụ năm vừa qua.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát, chủ động đề xuất và ban hành các chính miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2022 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu đến hết năm 2022 để kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn.

Thực hiện các giải pháp nêu trên dự kiến sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn đến ngày 15/12/2022 khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023 như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất; giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm tiền thuê đất…

MekongASEAN: Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về vai trò của chính sách tài khoá trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những năm tới?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ các chính sách tài khóa với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển KTXH cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân.

Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Đề án huy động nguồn lực, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước (NSNN) và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có; thực hiện chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm; bám sát yêu cầu tiến độ thực hiện chi, diễn biến thị trường và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bước vào năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó khăn hơn. Ở trong nước, từ đầu quý IV/2022 đến nay, xuất hiện ngày càng nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế, thanh khoản của nền kinh tế khó khăn; niềm tin thị trường sa sút; thị trường bất động sản chững lại; sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực có xu hướng thu hẹp...tiềm ẩn các tác động khó lường tới việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2022 và năm 2023.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa với chức năng là công cụ quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế, toàn ngành Tài chính xác định nhiệm vụ năm 2023 là tập trung ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế hiệu quả. Qua đó, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2023, cũng như các mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2021-2025, tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công bền vững.

MekongASEAN: Theo Bộ trưởng, đâu là yếu tố then chốt để khơi thông vốn đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển và lan tỏa trong toàn nền kinh tế trong năm tới?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Qua kết quả 4 đợt kiểm tra của 6 Tổ công tác của Chính phủ trong năm 2022, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp và xác định có 25 vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và đã phân thành 3 nhóm.

Nhóm liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, lĩnh vực NSNN và công sản, xây dựng, lĩnh vực đấu thầu, lĩnh vực đầu tư công.

Nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện như tiến độ và chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư chưa đảm bảo, còn chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến chậm các khâu tiếp theo như lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, ký kết được hợp đồng, khởi công công trình và giải ngân vốn...

Nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022 như giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến đặc biệt là giá xăng, dầu, sắt, thép, đất, cát...tăng mạnh giai đoạn đầu năm 2022.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, về phía Bộ Tài chính với chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là về quy trình thủ tục thanh toán đã thực hiện đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán đến mới tối đa.

Mekong ASEAN: Bên cạnh đầu tư công, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là thị trường tiềm năng, kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Năm 2023, ngành Tài chính có định hướng và giải pháp gì để giữ vững niềm tin, phát triển thị trường vốn lành mạnh, bền vững?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Với quy mô huy động vốn ngày càng tăng, thị trường vốn đã dần khẳng định sự quan trọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp theo đúng định hướng của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tín dụng, giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của kênh tín dụng ngân hàng.

Đối với thị trường TPDN, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô thị trường của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Hiện dư nợ của thị trường TPDN ở mức trên 15% GDP. Trong khi đó, Chiến lược Tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường TPDN đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.

Trong khi đó, TTCK, trái phiếu trong năm 2022 đối mặt nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu từ niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Riêng thị trường TPDN còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư do các sai phạm của một số doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các giải pháp cụ thể.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành đánh giá cụ thể tình hình, để xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay.

Tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung truyền thông với thông điệp rõ về định hướng phát triển của Nhà nước đối với thị trường TPDN.

Tập trung công tác quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tiếp tục rà soát, đánh giá hoạt động của các công ty chứng khoán, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với NHNN trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ.

Về tổ chức điều hành thị trường, rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng; chỉ đạo các Sở GDCK chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch.

Về đảm bảo thanh khoản thị trường tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đã kiến nghị với NHNN tập trung triển khai các biện pháp điều hành đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường TPDN đang gặp khó khăn.

Mekong ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc tiếp