JETP là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển các-bon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu; đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0.
Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP (RMP) là bước đầu triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, thể hiện mong muốn hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, vừa đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, vừa đáp ứng an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận tới các nguồn năng lượng với giá hợp lý đối với đại bộ phận người dân Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành |
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP (RMP) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) tổ chức tuần vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: “Kế hoạch huy động nguồn lực là tài liệu mở, luôn được điều chỉnh, cập nhật và có sự tham gia rộng rãi của mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và hướng tới mục tiêu đạt phát thải vòng bằng “0” vào năm 2050”.
Hội thảo lần này lấy ý kiến góp ý của Nhóm các đối tác quốc tế IPG, Liên minh Tài chính Glassgow (GFANZ) và các bên liên quan để hoàn thiện RMP, trình Thủ tướng xem xét thông qua.
Đại sứ các nước tại Việt Nam, đại diện các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế đều đánh giá bản dự thảo mới nhất đã tiệm cận được những vấn đề đặt ra sau rất nhiều cuộc tham vấn, làm việc thảo luận chuyên sâu. Đã có 500 ý kiến đóng góp được gửi về Ban thư ký JETP để hoàn thiện RMP.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, RMP cần phải cụ thể hơn nữa, nhất là việc làm nổi bật vai trò dẫn dắt của Việt Nam, ý nghĩa của JETP đối với quá trình chuyển dịch của Việt Nam cũng như lộ trình thực hiện.
Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP cần lộ trình cụ thể
Ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời Liên minh châu Âu tại Việt Nam. (Ảnh: Báo TN&MT) |
Ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định: “Tham vọng lớn đạt phát thải ròng bằng 0 thể hiện tại COP26 cũng như trong Quy hoạch Điện 8 của Chính phủ Việt Nam cho thấy rõ cần phải có các các biện pháp cụ thể cho tất cả các lĩnh vực thuộc ngành năng lượng cũng như của nền kinh tế”.
Theo ông Wiersing, JETP sẽ là một công cụ hữu hiệu và RMP sẽ là bước đầu tiên, vạch ra tham vọng, hướng đi, các cải cách chính sách và các cơ hội giúp thúc đẩy quá trình này.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Mark George, Tham tán Khí hậu Vương quốc Anh, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho rằng: “RMP là cơ hội để thiết lập một lộ trình hiện thực hóa tham vọng của Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng công bằng, theo hướng thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội quốc gia, tăng cường an ninh năng lượng và khả năng cạnh tranh”.
Hầu hết các ý kiến đề xuất tại Hội thảo đều cho rằng, RMP cần được xây dựng thành một kịch bản cụ thể với lộ trình thực hiện rõ ràng cho các vấn đề ưu tiên như việc giảm nhiệt điện than, phát triển năng lượng tái tạo, lựa chọn dự án thực hiện có đánh giá tác động, nâng cấp và phát triển mạng lưới truyền tải, trung hòa carbon và lưu trữ năng lượng…
Hoạt động xây dựng chính sách, khung pháp lý cũng cần có lộ trình cụ thể hơn. Tiếp theo đó, cần cân nhắc kỹ việc phân bổ nguồn lực như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, vấn đề giải ngân ODA, vay nợ nước ngoài cũng là những căn cứ để các đối tác công tư, các định chế tài chính xem xét rót vốn.
Quá trình chuyển dịch năng lượng cần được quản trị minh bạch
Toàn cảnh Hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Ảnh: Báo TN&MT |
Thông qua JETP, các đối tác quốc tế giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường tham gia của khu vực tư nhân; phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi.
Các đối tác nước ngoài cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Trong đó, 7,75 tỷ USD do nhóm IPG huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại. GFANZ huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.
Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu suất tối đa sử dụng nguồn vốn này, đại diện IPG cho rằng, RMP cần một bộ máy quản trị hiệu quả và có sự kiểm soát. Vấn đề lựa chọn các dự án cần sự tham gia của khu vực tư nhân và ý tưởng được đề xuất ở đây là IPG sẽ xác định mục tiêu cho các dự án ưu tiên.
Nhìn nhận ở góc độ cơ cấu vốn, theo đại diện nhóm GFANZ, RMP đã đề cập đến nguồn vốn từ nước ngoài và vốn đối ứng trong nước. Tuy nhiên, đại diện GFANZ nêu thêm các vấn đề để Ban Thư ký JETP xem xét như khoản vốn nào có thể đảm bảo cho các dự án được thực hiện ngay, khởi động dự án với vốn đầu tư công liệu có khả thi hay việc khu vực tư nhân tham gia như thế nào. GFANZ nhấn mạnh, việc đàm phán với khu vực tư nhân cần có quy trình minh bạch, rõ ràng để các ngân hàng và khu vực tư nhân có thể tham gia.
Bên cạnh đó, rất nhiều vấn đề khác được đề cập tới như nguồn lực huy động cho năng lượng, tài chính chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động ra sao. Quá trình giảm phát thải từ nhiệt điện than cần chia sẻ kinh nghiệm từ JETP. Vấn đề cơ cấu lại nhiệt điện than, khuôn khổ pháp lý, xác định các lớp tài sản cần thiết cụ thể phục vụ cho công tác đầu tư…
Công bằng và bình đẳng mang tính bao trùm trong mọi khía cạnh và đối tượng
Nhiều đại biểu đề cập đến tính công bằng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Và RMP cần được xây dựng với sự công bằng và bình đẳng có tính bao trùm, xét đến tất cả mọi khía cạnh và mọi đối tượng chịu ảnh hưởng, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhận định, dự thảo mới nhất đã phù hợp hơn với Quy hoạch Điện 8, NDC và Chiến lược biến đổi khí hậu, giúp Việt Nam tập trung vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Đại diện UNDP cho rằng có lẽ cần tích hợp hay lồng ghép các vấn đề ưu tiên của JETP vào các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, từ trung ương tới địa phương để triển khai hiệu quả trong bối cảnh kế hoạch hàng năm đang thực hiện cho giai đoạn 2024-2025 và kế hoạch đầu tư trung hạn 2026-2030 sắp tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiến hành cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian phê duyệt các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư bổ sung. Kế hoạch thực hiện JETP cũng cần xác định nhu cầu và dành kinh phí để thực hiện các đánh giá và hành động cần thiết, xây dựng một khung khổ chuyển giao trong đó sự công bằng có tính bao trùm.
Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế ILO trăn trở: “Con đường chuyển đổi năng lượng thế nào cũng có Được – Mất. Việc của chúng ta cần làm như thế nào đảm bảo để không ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi và phát triển này.
Chúng ta cần cân nhắc khả năng mất việc làm của lực lượng lao động từ các doanh nghiệp trong thị trường; tính toán về khía cạnh thu nhập và đào tạo lại kỹ năng của người lao động giúp cuộc sống của họ bớt bị ảnh hưởng. Hệ thống an sinh xã hội sẽ đảm bảo hỗ trợ quá trình chuyển đổi”.
Hơn nữa, theo đại diện ILO, trong Kế hoạch này, ngoài sự tham gia của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, cho giới chủ như VCCI, cũng cần có sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức đại diện cho người lao động như công đoàn. Hiện nay, Việt Nam có lực lượng lao động lớn với hơn 17,5 triệu người là thành viên công đoàn.
Cần tận dụng JETP như một cú hích
Đại diện Cơ quan Phát triển của Pháp tại Việt Nam (AFD) và một số đại diện tổ chức khác đều có chung ý tưởng về việc cần đề xuất, lựa chọn các dự án thí điểm.
Theo quan điểm của đại diện UNIDO, tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp là một vấn đề đáng quan tâm. Các lĩnh vực năng lượng tái tạo mới, hydrogen ứng dụng công nghiệp, giao thông vận tải, ô tô điện… cần tận dụng JETP như một cú hích đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ chất lượng cao.
Việt Nam có độ mở thương mại lớn về xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có nhiều yêu cầu cao hơn đối với chuỗi cung ứng. Do đó, chú trọng đầu tư cho xuất khẩu rất quan trọng. Đại diện UNIDO cho rằng, Chính phủ đã cho phép sử dụng năng lượng tái tạo tại văn phòng, cơ quan, thì đối với lĩnh vực công nghiệp cũng nên cởi trói về mặt chính sách để sử dụng năng lượng sạch trong công nghiệp được mạnh mẽ hơn.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Eurocham tại Việt Nam, ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia Việt Nam của CIP/COP chia sẻ, hiện có hai rào cản đối với việc rót vốn vào năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió ngoài khơi. Đó là vấn đề quy định pháp lý (Nghị định 17 quy định về khảo sát địa điểm, xây dựng dự án) cần xác định dự án khả thi và vấn đề cơ sở hạ tầng lưới điện để đảm bảo an ninh năng lượng.
Cần có cách tiếp cận cân bằng, mang tính tổng thể để cân nhắc sử dụng năng lượng tái tạo một cách hiệu quả, nhằm đưa năng lượng tái tạo trở thành tài sản cho Việt Nam. Đối với những dự án quy mô lớn giá trị lên đến nhiều tỷ USD, các nhà đầu tư rất cần định hướng chắc chắn và quy định nhất quán để có căn cứ quyết định đầu tư.
Theo ông Livesey, hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) nếu được triển khai sớm cũng sẽ thu hút được vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo bởi Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu tư và thị trường tốt.
Đại diện dự án Thang Long Wind chia sẻ, việc lựa chọn dự án thí điểm để phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng đồng thời phải phù hợp với các mục tiêu, yêu cầu tại các qui hoạch liên quan của Việt nam cũng như các tiêu chí của JETP bao gồm phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi, hydrogen và ammonia, lưới điện truyền tài, hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Dự án Thăng Long Wind và Thăng Long Wind 2 là dự án duy nhất đã có kết quả khảo sát và các mô hình tài chính để phát triển dự án. Để góp phần đảm bảo mục tiêu công suất 6GW điện gió ngoài khơi được lắp đặt vào năm 2030, từ năm 2019, Tập đoàn Enterprize Energy đã triển khai thu thập dữ liệu gió, khảo sát địa chất đáy biển.
Tập đoàn đã làm việc với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương tại tỉnh Bình Thuận để dự kiến các điểm tiếp bờ, các công trình trạm biến áp và tuyến cáp ngầm trên bờ và phương án xây dựng đường dây 500KV, giải phóng công suất từ trang trại điện gió ngoài khơi, triển khai thiết kế các công trình biển kết hợp giữa sản xuất điện từ gió ngoài khơi với điện phân nước biển để sản xuất hydrogen, ammonia.
"Thông qua việc thí điểm dự án Thăng Long Wind và Thăng Long Wind 2, các bên liên quan sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, mô hình, cơ chế tài chính và các nội dung cần thiết khác để áp dụng trong tương lai", đại diện Thăng Long Wind cho biết.