'Cần sớm khắc phục bất cập trên thị trường để đảm bảo nguồn vốn'

TÀI CHÍNH Việt nAM
22:21 - 12/01/2023
'Cần sớm khắc phục bất cập trên thị trường để đảm bảo nguồn vốn'
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, việc giải bài toán vốn cần khắc phục bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chia sẻ với báo chí ngày 11/1 về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, bối cảnh kinh tế toàn cầu trong thời gian tới tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát.

Khắc phục bất cập của thị trường trái phiếu, chứng khoán

Theo lãnh đạo NHNN, mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản. Điều này có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo).

Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước.

Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. Do đó, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.

Do đó, để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đồng thời điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cho biết: “Hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn".

Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà mong sớm khắc phục các bất cập trên thị trường.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà mong sớm khắc phục các bất cập trên thị trường.

Trước đó, trong Diễn đàn kinh tế ngày 11/1, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, do đặc thù của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng nên trong bối cảnh thị trường thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản biến động phức tạp, khó lường, có dấu hiệu thu hẹp, thì càng gây áp lực lớn lên cân đối vốn tín dụng ngân hàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ không chỉ trong năm 2022 mà cả trong năm 2023 tới đây.

Ngoài ra, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng gia tăng sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế lên tín dụng ngân hàng.

Với đặc thù đó, định hướng điều hành trong năm 2023 của NHNN, bên cạnh việc hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thì mục tiêu quan trọng nhất, xuyên suốt là điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát được lạm phát. Từ đó, mục tiêu quan trọng với nội bộ ngành ngân hàng là duy trì được sự hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững của hệ thống tổ chức tín dụng.

Sẵn sàng thích ứng trước những rủi ro

Về phía các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và những khó khăn trên thị trường tài chính, tiền tệ tiếp tục là thách thức cho việc thực hiện chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong đó, trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

"Những thách thức này đòi hỏi các tổ chức tín dụng cần quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của Ngành để chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh sẵn sàng thích ứng với các rủi ro, bất trắc có thể xảy ra trong năm 2023", Phó Thống đốc nói.

Theo đó, các tổ chức tín dụng cần tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành; tăng cường giám sát, tuân thủ các quy định, chuẩn mực trong hoạt động ngân hàng.

Các ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng quản trị theo thông lệ quốc tế để nâng cao chất lượng tín dụng, tiếp tục không hạ chuẩn tín dụng nhằm kiểm soát chất lượng nợ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Đồng thời, tối ưu hóa việc sử dụng vốn để tăng nhanh vòng quay tín dụng; quyết liệt thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu.

Về định hướng năm 2023, theo Phó Thống đốc, các tổ chức tín dụng sẽ tích cực, chủ động đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ.

Trong bối cảnh hệ số sử dụng vốn thị trường 1 của hệ thống ở mức cao, mặt bằng lãi suất huy động một số tổ chức tín dụng có xu hướng tăng, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo cân đối được nguồn vốn, không tạo áp lực lên thanh khoản và lãi suất thị trường trong quá trình cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.